Khi được HĐXX hỏi về biên bản bàn giao thiết bị máy móc, bị cáo Trần Văn Sơn – cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của BVĐK Hòa Bình thừa nhận việc lập biên bản bàn giao được thực hiện sau khi đã xảy ra sự cố tai biến y khoa để hợp thức hóa hồ sơ.

8 bệnh nhân chạy thận tử vong
Ba bị cáo tại phiên tòa lần lượt từ trái qua: Bị cáo Lương, Sơn, Quốc. (Ảnh: soha.vn)

Ngày 16/5, TAND TP. Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) tiếp tục ngày làm việc thứ 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm 3 bị cáo liên quan đến sự cố chạy thận làm 8 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.

Tại phiên tòa, HĐXX cho 2 bị cáo Trần Văn Sơn – cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của bệnh viện và Bùi Mạnh Quốc – giám đốc Công ty Trâm Anh đối chất về biên bản bàn giao thiết bị hệ thống lọc nước RO ghi ngày 28/5/2017 có chữ ký của cả hai người.

Theo lời khai của bị cáo Quốc, ngày 28/5, Quốc đến BVĐK Hòa Bình sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước của máy chạy thận tại Đơn nguyên thận nhân tạo – Khoa Hồi sức tích cực theo yêu cầu của ông Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn. Bản thân Quốc không biết hợp đồng giữa BV và công ty Thiên Sơn.

Bị cáo Quốc cho hay vì hôm đó chưa thực hiện xong công việc nên chưa bàn giao trên giấy tờ. Trước khi nghỉ, bị cáo có gọi điện cho Sơn đến khóa cửa, nhắc đã sửa thay thế các vật tư xong và sáng hôm sau (29/5) mới vào lấy mẫu nước.

Còn bị cáo Sơn khai nhận có biết sáng ngày 28/5, Quốc đến để sửa chữa máy. Sau khi gặp Quốc tại bệnh viện, Sơn không giám sát quá trình sửa chữa của Quốc. Đến chiều cùng ngày, Quốc gọi điện thông báo đã sửa chữa xong, sau đó Sơn gọi điện cho điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nhờ khóa cửa vì việc sửa chữa đã kết thúc.

Khi HĐXX công bố bút lục số 1522 về biên bản bàn giao thiết bị sửa chữa lập vào lúc 8h35 ngày 28/5/2017 có chữ ký của Sơn và Quốc, bị cáo Quốc bất ngờ và khẳng định không có bất cứ biên bản bàn giao thiết bị nào; bản thân không ký và cũng không biết ai lập.

Đến lượt mình, bị cáo Trần Văn Sơn thừa nhận biên bản bàn giao có chữ ký của mình. Tuy nhiên, biên bản được lập sau khi xảy ra sự cố tai biến y khoa (ngày 29/5), không phải lập vào ngày 28/5.

Sau khi sự cố xảy ra bị cáo mới lập biên bản này“- bị cáo Sơn khai.

Bị cáo thực hiện hành vi gian dối với mục đích gì?” – thẩm phán hỏi.

Bị cáo Sơn giải thích vì theo quy định trước và sau khi sửa chữa đều phải có biên bản bàn giao giữa hai bên là đơn vị sửa chữa và đại diện bệnh viện.

Đồng thời, Sơn khẳng định việc lập biên bản sau khi xảy ra sự cố chỉ để hợp thức hóa hồ sơ, không chịu sự chỉ đạo của bất kỳ ai.

HĐXX cũng xét hỏi một số lãnh đạo, điều dưỡng của khoa Hồi sức tích cực – đơn nguyên thận nhân tạo với tư cách người làm chứng, người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Ông Hoàng Đình Khiếu – Phó Giám đốc bệnh viện cho biết trang thiết bị trong Khoa Hồi sức tích cực được quản lý theo quy chế, khi phòng vật tư bàn giao phải có văn bản còn sử dụng có nhiều người dùng; việc sửa chữa, bảo dưỡng thuộc phòng vật tư.

Cũng trong sáng nay, bác sĩ Hoàng Công Lương tiếp tục khẳng định không đề xuất sửa chữa mà chỉ ký xác nhận vào đơn đề xuất sửa chữa của phòng vật tư. Sau khi được điều dưỡng Điệp thông báo máy đã sửa xong, bác sĩ Lương ra y lệnh điều trị cho bệnh nhân.

Bị cáo không biết việc xét nghiệm nguồn nước nên không kiểm tra. Việc sửa chữa của bộ phận khác, bị cáo không nghiên cứu nên không nắm rõ“, bác sĩ Lương nói.

Phạm Toàn

Xem thêm: