Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) gửi Chính phủ, trong 3 tháng cuối năm 2022, số lao động bị mất việc là 53.674 người (trong tổng 637.491 lao động bị mất việc, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng…). Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), số lao động bị buộc thôi việc, mất việc lên tới gần 118.000 người. 

ba thang cuoi nam 2022 hon 53 600 hay gan 118 000 cong nhan mat viec
Một nữ công nhân mất việc trên đường về quê trốn dịch COVID-19, mệt quá ngủ vùi bên vệ đường gần Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) khuya 5/7/2021. Cuối năm 2022, hàng nghìn công nhân tiếp tục đối diện cảnh sa thải trên diện rộng. (Ảnh minh họa: Nguyễn Châu/dẫn qua Đức Hiển/Facebook)

53.674 người bị mất việc, chiếm 8,4% tổng số lao động bị ảnh hưởng

Theo nội dung Báo cáo Chính phủ về tình hình lao động việc làm, tiền lương, tiền thưởng trong doanh nghiệp được báo chí công bố hôm 13/1, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết 11 tháng đầu năm 2022, tình hình thị trường lao động chung cả nước có sự phục hồi tương đối khả quan.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, lực lượng lao động đạt 51,6 triệu người, tăng 1,2 triệu người so với cùng kỳ 2021; số lao động có việc làm đạt 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người; thu nhập bình quân là 6,6 triệu đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ 2021 (trong đó thu nhập của người làm công hưởng lương đạt 7,6 triệu đồng, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm 2021).

Tỷ lệ thất nghiệp trong 9 tháng năm 2022 là 2,35%, giảm 0,64% so với cùng kỳ 2021. Nhu cầu tuyển dụng lao động mới những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 tăng khoảng 377.700 người, theo tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố.

Mặc dù vậy, Bộ này thừa nhận những biến động lớn về thị trường lao động trong năm, đặc biệt là 3 tháng cuối, được lý giải do tác động của đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán), biến động chiến sự… khiến nhiều doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng.

Theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), phải cắt giảm việc làm; trong đó, 65,3% doanh nghiệp FDI, còn lại là dân doanh.

Phân loại theo khu vực địa lý, có 60% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Nam; 24% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Bắc; 16% doanh nghiệp ở các tỉnh miền Trung gặp khó khăn.

Tính theo lĩnh vực, các doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng tập trung ở các ngành nghề: dệt may; da giày; chế biến gỗ; cơ khí công nghiệp phụ trợ…

Tổng số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp là 637.491 người (khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp). Trong đó, 53.674 người bị mất việc (chiếm 8,4%); trên 359.087 người phải giảm giờ làm (56,3%), trong đó chủ yếu là làm thêm giờ và giảm giờ làm bình thường; 22.679 người bị tạm ngừng việc có trả lương (4%); 35.081 người bị tạm hoãn hợp đồng lao động (5,5%); số lao động còn lại được doanh nghiệp sắp xếp theo một số hình thức giãn việc khác (như nghỉ phép năm, kéo dài thời gian nghỉ Tết…).

Tổng cục Thống kê công bố con số cao gấp 2 lần

Tại buổi họp báo Tình hình lao động việc làm quý 4 và năm 2022, diễn ra vào sáng 10/1, Tổng cục Thống kê thông báo số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 4/2022 là khoảng 898.200 người, tăng 26.500 người so với quý trước và giảm 566.000 người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi quý 4 là 1,98%, tăng 0,06 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,39 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó, mặc dù tình hình thiếu việc làm của người lao động trong quý 4 giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng khác với xu hướng các năm trước (khi chưa chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19), quý 4 là thời điểm các doanh nghiệp và người lao động triển khai tăng ca, làm cho tỷ lệ thiếu việc làm của quý này thường có xu hướng thấp nhất trong năm. Trong năm 2022, tỷ lệ ở quý này bị đẩy cao hơn so với quý trước.

Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho hay thông thường, quý 4 là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch COVID-19, lao động có việc làm trong quý 4 tăng 4.600 người (tương đương tăng gần 1%).

“Tuy nhiên trong quý 4/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm, do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm. Cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động. Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý 4/2022 chỉ còn 0,5%”, ông Nam lý giải.

Cụ thể, trong quý 4/2022, có gần 296.000 lao động bị buộc nghỉ giãn việc, trong đó đa số ở các doanh nghiệp FID (chiếm 64,2%), tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giầy (chiếm 72,5%); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như TP.HCM (khoảng 36.000 người), Tây Ninh (42.000 người)…

Số lao động bị buộc thôi việc, mất việc trong quý 4 là gần 118.000 người, trong đó lao động thuộc ngành sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử chiếm tỷ trọng lớn nhất (34,7%), tiếp theo là lao động thuộc ngành dệt may (26,4%), ngành da giày (26,4%).

Thu nhập bình quân quý 4/2022 chỉ tăng 95.000 đồng

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, do người lao động bị ảnh hưởng việc làm, bị giãn việc, mất việc và dịch chuyển sang khu vực phi chính thức, thu nhập bình quân tháng trong quý cuối năm vẫn tăng nhưng không đáng kể. Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý 4/2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95.000 đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đây là tốc độ gia tăng thu nhập bình quân của người lao động thấp nhất so với cùng kỳ các năm giai đoạn 2019 – 2022. Điều này, theo Tổng cục Thống kê, là bất thường khi thông thường, những tháng cuối năm nhiều doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh, tăng số giờ làm việc, tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động thường cao hơn so với quý trước.

Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,8 triệu đồng, tăng 105.000 đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,8 triệu đồng, tăng 83.000 đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Xét theo vùng, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động chậm lại ở hầu hết các vùng, trong đó, vùng Đông Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung là 2 vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân chậm lại rõ rệt, ghi nhận lần lượt ở mức 8,7 triệu đồng (tăng 83.000 đồng so với quý trước) và 6 triệu đồng (tăng khoảng 24.000 đồng so với quý trước).

Nguyễn Quân