Lao động mất việc, bị giảm giờ làm được hỗ trợ từ 1-3 triệu đồng
- Nguyễn Quân
- •
Người lao động bị giảm việc, ngừng việc, mất việc trong thời gian từ 1/10/2022 đến 31/3/2023 sẽ được nhận hỗ trợ một lần từ 1-3 triệu đồng tùy trường hợp.
- 2 năm, người bị ảnh hưởng bởi COVID-19 được chi 1,5 triệu đồng
- ‘Hơn 42.000 lao động mất việc đồng nghĩa với từng ấy gia đình lao đao’
Theo Nghị quyết 06 do ông Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam ký chiều 16/1, người lao động là thành viên công đoàn bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng được nhận tiền hỗ trợ từ kinh phí công đoàn.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đưa ra 3 mức hỗ trợ đối với 3 nhóm lao động tính trong thời gian từ 1/10/2022 đến 31/3/2023.
Nhóm lao động bị giảm giờ làm việc hàng ngày, giảm số ngày làm việc trong tuần hoặc trong tháng (trừ trường hợp giảm thời gian làm thêm giờ) hoặc bị ngừng việc từ 14 ngày trở lên mà có thu nhập thấp hơn lương tối thiểu vùng ghi trong hợp đồng được hỗ trợ một lần với mức 1 triệu đồng/người.
Lao động bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ 30 ngày liên tục trở lên (trừ trường hợp người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do cá nhân) được hỗ trợ một lần với mức 2 triệu đồng/người.
Hỗ trợ một lần với mức 3 triệu đồng/người đối với nhóm lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trừ trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, bị xử lý kỷ luật sa thải, thỏa thuận nội dung thử việc ghi trong hợp đồng lao động mà thử việc không đạt yêu cầu hoặc một bên hủy bỏ thỏa thuận thử việc, hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng).
Nguồn tiền hỗ trợ được trích từ kinh phí công đoàn, do cấp cơ sở thực hiện. Thời gian nhận hồ sơ chậm nhất ngày 31/3 và chi trả chậm nhất đến 30/5/2023.
Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng nhiều chính sách hỗ trợ khác nhau thì chỉ được hưởng chính sách có mức hỗ trợ cao nhất.
Trường hợp người lao động đã được hưởng chính sách hỗ trợ ở mức thấp, sau đó chuyển thành đối tượng được hỗ trợ ở mức cao hơn thì được hưởng tiếp phần chênh lệch giữa 2 mức hỗ trợ.
Trường hợp người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết này nhưng đã được hưởng hỗ trợ tương tự từ các cấp công đoàn trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực với mức thấp hơn theo Nghị quyết này thì được hưởng tiếp phần chênh lệnh giữa 2 chính sách hỗ trợ.
Người lao động không là đoàn viên công đoàn được hưởng mức hỗ trợ bằng 70% các mức trên. Người lao động không là đoàn viên công đoàn nhưng là lao động nữ từ đủ 35 tuổi trở lên, lao động nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con đẻ hoặc con nuôi hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi (chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha hoặc người chăm sóc thay thế trẻ em) thì được hưởng 100% mức hỗ trợ nói trên.
Theo số liệu tổng hợp của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại các doanh nghiệp đã thành lập công đoàn cơ sở, từ tháng 9/2022 cho đến hết ngày 10/12/2022, có 1.242 doanh nghiệp (tại 44 tỉnh, thành phố) bị cắt giảm đơn hàng, khiến 482.120 người lao động bị giãn, giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng, mất việc.
Trong đó, 433.908 người bị giảm giờ làm hoặc đang ngừng việc có hưởng lương (chiếm 90%); 6.570 người bị tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (1,36%); 41.642 người bị chấm dứt hợp đồng lao động (8,64%).
Số lao động bị ảnh hưởng trên phần lớn ở các doanh nghiệp FDI (chiếm 75% tổng số lao động bị ảnh hưởng), tập trung trong 3 ngành dệt may, da giầy, chế biến gỗ (chiếm 77% tổng số lao động bị ảnh hưởng).
Lao động bị mất việc, giảm giờ làm chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, với con số 341.544 người lao động, chiếm 70% tổng số người lao động bị ảnh hưởng của cả nước.
Trong số này, có đến 36% người lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế và có khoảng 8% trong số đó là lao động nữ từ 35 tuổi trở lên và khoảng 5% là lao động nữ đang trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Từ khóa lao động mất việc công nhân mất việc Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hỗ trợ lao động thất nghiệp