Chính phủ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng “Sổ hộ khẩu” đối với nhóm thủ tục đăng ký thường trú và tạm trú, thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

so-ho-khau
Chính phủ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng “Sổ hộ khẩu”. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 112 về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc chức năng của Bộ Công an.

Theo nghị quyết, đối với nhóm thủ tục đăng ký thường trú (thực hiện tại cấp huyện và xã) sẽ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân.

Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ hộ khẩu” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú.

Cùng với đó, thay thế “Bản khai nhân khẩu (HK01)”, “Phiếu báo thay đổi hộ khẩu nhân khẩu (HK02)” bằng một biểu mẫu mới bao gồm thay đổi về nơi đăng ký thường trú, nơi ở hiện nay và các thông tin về công dân để giảm tải các thông tin đã khai thác được trên Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đồng thời, bỏ “Giấy chuyển hộ khẩu (HK07)”, “Giấy tờ chứng minh về mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú” theo quy định trước đó của Bộ Công an.

Nghị quyết cũng ban hành việc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư tạm trú bằng “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Từ đó, bãi bỏ kết quả giải quyết thủ tục là “Sổ tạm trú” và thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú.

Nghị quyết còn hướng dẫn đơn giản hóa thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực khác như: Quản lý xuất nhập cảnh; quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; tổ chức cán bộ; chính sách; Phòng cháy, chữa cháy; cấp, quản lý CMND.

Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 30/10/2017.

Trước đó, từ tháng 2 đến tháng 9/2017, nhiều đơn vị cơ quan công quyền cũng đã đề nghị bỏ hộ khẩu. Cụ thể:

  • Tháng 2/2107, Thành uỷ UBND và các sở ngành TP.HCM với Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã đề xuất bỏ quy định hộ khẩu trong tuyển sinh để mở rộng phạm vi tuyển chọn nhân tài.
  • Tháng 9/2017, UBND TP.HCM cũng ra quyết định kể từ 1/11/2017 sẽ không còn điều kiện hộ khẩu trong tuyển dụng công, viên chức tại TP.

Tháng 10/2017, Bộ Y Tế cũng đề nghị bãi bỏ các quy định về hộ khẩu, đây là điều kiện đang cản trở và hạn chế quyền công dân, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số.

Theo báo cáo từ nghiên cứu “Hệ thống đăng ký hộ khẩu ở Việt Nam”, do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 16/6/2016 cho thấy qua khảo sát tại 5 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Bình Dương và Đắk Nông, ít nhất 5,6 triệu người không có hộ khẩu thường trú ở nơi cư trú, trong đó tỷ lệ ở TP.HCM lên tới 36% dân cư, còn tại Hà Nội là 18%.

Báo cáo chỉ rõ, những người không có hộ khẩu thường trú thường khó có cơ hội làm việc trong khu vực công và gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ, đặc biệt về giáo dục, bảo hiểm y tế cho trẻ em, tiếp cận tín dụng và các thủ tục dân sự.

Trẻ em đăng ký tạm trú ít có khả năng được nhận vào học ở các trường tiểu học và trung học cơ sở, và một phần tư số trẻ tạm trú vẫn không có thẻ bảo hiểm y tế mặc dù có chính sách trên cả nước về việc khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi mà lý do chính là do tình trạng hộ khẩu của các em.

Cũng theo báo cáo, 70% người dân được khảo sát cho rằng sổ hộ khẩu làm hạn chế quyền lợi, khiến họ không bình đẳng với người có hộ khẩu thường trú và tạo cơ sở cho tiêu cực, tham nhũng.

Phạm Toàn

Xem thêm: