Việt Nam đã tiến hành mở rộng đáng kể công việc nạo vét và đổ đất tại một số tiền đồn ở Biển Đông trong nửa cuối năm nay, báo hiệu ý định củng cố đáng kể các tuyên bố chủ quyền của mình trong tuyến đường thủy đang tranh chấp, một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ đưa tin hôm thứ Tư ( ngày 14/12).

trung quoc xay dao nhan tao tren bien Dong
Một đảo nhân tạo trên Biển Đông do Trung Quốc xây dựng trong vùng biển tranh chấp với Việt Nam. (Ảnh qua: breakingdefense.com)

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho biết công việc bồi đắp ở quần đảo Trường Sa, cũng được Trung Quốc và các nước khác tuyên bố chủ quyền, đã tạo ra khoảng 170 ha đất mới và nâng tổng diện tích mà Việt Nam đã khai hoang trong thập kỷ qua lên 220 ha.

Dựa trên những phát hiện thông qua hình ảnh vệ tinh thương mại, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS cho biết nỗ lực này bao gồm mở rộng việc lấp đất tại bốn thực thể và nạo vét mới tại năm thực thể khác.

“Quy mô của công việc lấp đất, mặc dù vẫn còn thua xa so với hơn 1.300ha đất do Trung Quốc tạo ra từ năm 2013 đến năm 2016, lớn hơn đáng kể so với những nỗ lực trước đây của Việt Nam và thể hiện một động thái lớn nhằm củng cố vị thế của Việt Nam ở Trường Sa,” báo cáo cho biết.

AMTI cho biết các tiền đồn cỡ vừa của Việt Nam tại đảo Nam Yết (Namyit Island), đảo Phan Vinh (Pearson Reef) và đảo Sơn Ca (Sand Cay) đang được mở rộng quy mô lớn, với một cảng nạo vét có khả năng tiếp nhận các tàu lớn hơn đã hình thành tại Nam Yết và Phan Vinh.

Đảo Nam Yết, rộng 47ha và đả Phan Vinh, rộng 48ha, cả hai hiện đều lớn hơn đảo Trường Sa rộng 39ha – nơi từng là tiền đồn lớn nhất của Việt Nam. Báo cáo cho biết đá Tiên Nữ (Tennent Reef), nơi trước đây chỉ có hai cấu trúc hình hộp nhỏ, giờ đã có 26ha đất nhân tạo.

AMTI cho biết Việt Nam đã sử dụng tàu nạo vét vỏ sò để xúc các phần của rạn san hô nông và dùng các trầm tích để chôn lấp, một quá trình ít gây phá hủy hơn so với việc nạo vét bằng máy cắt-hút mà Trung Quốc đã sử dụng để xây dựng các đảo nhân tạo.

“Các hoạt động nạo vét và bồi lấp của Việt Nam vào năm 2022 là đáng kể và báo hiệu ý định củng cố đáng kể các thực thể mà Việt Nam chiếm đóng ở Trường Sa,” báo cáo cho biết.

“Cơ sở hạ tầng nào mà các tiền đồn mở rộng này sẽ chứa đựng sẽ còn phải xem xét. Trung Quốc và các bên yêu sách khác có phản ứng hay không cũng sẽ được theo dõi,” báo cáo nói.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với hầu hết Biển Đông và đã thiết lập các tiền đồn quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã xây dựng ở đó. Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở vùng biển có các tuyến đường hàng hải quan trọng cắt ngang và chứa các mỏ khí đốt cũng như ngư trường phong phú.

Lê Vy (theo Reuters)