Trong hai ngày đổ vào các tỉnh ven biển miền Trung, bão Trà Mi (bão số 6) gây mưa lớn, gió cực mạnh. Quảng Bình chịu nhiều thiệt hại khi có 4 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập lụt.

bao tra mi it nhat 6 nguoi chet mat tich quang binh van ngap nang sau bao 1
Nước lụt ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh được cho là đã cán mốc ngày 19/10/2020. Ảnh chụp ngày 28/10. (Ảnh: Trường Tuấn/Facebook)

Quảng Bình: Thêm thi thể được tìm thấy, nam thanh niên cứu hộ vẫn mất tích

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, tính từ 0h ngày 26/10 đến 6h ngày 28/10, lượng mưa đo được tại một số trạm trong tỉnh thấp nhất là 282 mm (trạm Sen Thủy), cao nhất lên tới 724,6 mm (trạm TV Kiên Giang). Lượng mưa tại các trạm còn lại phổ biến từ trên 300mm đến gần 700mm.

Trạm Kiến Giang đạt đỉnh lũ 17,25m, trên BĐ3 4,25m lúc 18h ngày 27/10. Trạm Lệ Thủy đạt đỉnh lũ 3,74m, trên BĐ3 1,04m lúc 0h ngày 28/10.

Nước vây quanh nhà ở huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, sáng 30/10. (Nguồn: Nguyễn Thị Tuyên/Facebook)

Tính đến sáng 30/10, thêm hai thi thể người mất tích được tìm thấy.

Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) cho hay vào lúc 8h50 sáng 30/10, thi thể của ông Phạm Văn Cứ (SN 1960, ngụ thôn Trường An, xã Gia Ninh) đã được lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tìm thấy, cách vị trí bị nạn hơn 300m.

Hai ngày trước, ngày 28/10, ông Cứ chuẩn bị đò để chở đồ sơ tán, không may gặp luồng nước chảy xiết cuốn cả người lẫn đò ra xa bờ. Đò bị lật, ông Cứ mất tích.

bao tra mi it nhat 6 nguoi chet mat tich quang binh van ngap nang sau bao 2
Lụt tại tổ dân phố 8, Bắc Lý – Đồng Hới, sáng sớm ngày 28/10. (Ảnh: Bê Ngô/Faccebook)

Chiều 29/10, thi thể ông Nguyễn Văn Bằng (SN 1985, trú tại thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy) đi đò qua khu vực ngập sâu ở gần nhà để đi đón cháu. Không may đò lật, nước lũ dâng cao cuốn ông Bằng mất tích.

Thi thể ông Bằng được lực lượng chức năng tìm thấy lúc 14h30 cùng ngày, cách vị trí bị nạn không xa.

Hiện còn anh Lê Ngọc Hơn (SN 2002, trú thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) mất tích hôm 27/10 do bị nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ tại khu vực hồ Thanh Sơn, xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy. Ông Ngô Du Lịch (SN 1980, trú tổ dân phố 1, phường Nam Lý, TP. Đồng Hới) đi thả lưới đánh cá trên cánh đồng bị ngập lụt ở phía trước nhà từ sáng 28/10, đến nay vẫn chưa tìm thấy.

Lụt ở Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình chiều 28/10. (Nguồn: Fanpage Review Quảng Bình)

Trong hai ngày 27-28/10 khi bão Trà Mi đổ vào các tỉnh ven biển miền Trung, Quảng Bình trở thành “rốn” lụt. Theo TTXVN, tính đến 5h sáng 29/10, toàn tỉnh có 32.767 nhà dân bị ngập nặng. Trong đó, huyện Lệ Thủy có hơn 19.760 nhà bị ngập, huyện Quảng Ninh hơn 12.000 nhà và thành phố Đồng Hới 1.000 nhà dân bị ngập sâu.

Toàn tỉnh có 1.249 hộ với 3.681 nhân khẩu phải sơ tán; trong đó huyện Quảng Ninh phải di dời nhiều nhất, 1.105 hộ với 3.125 khẩu. Các khu vực khác phải sơ tán tại chỗ 9.123 hộ dân. Nước lũ cô lập các hộ dân, hệ thống điện lưới đã bị cắt, hàng ngàn hộ dân tại Quảng Bình rất cần cứu trợ đèn pin vì điện dự phòng đã hết.

bao tra mi it nhat 6 nguoi chet mat tich quang binh van ngap nang sau bao
Nước ngập ngang người tại Quảng Xá, Quảng Ninh. (Ảnh: Trương Vĩnh Giang/Facebook)

Ngoài ra, toàn tỉnh có 76 điểm bị ngập trên các tuyến đường giao thông. Trong đó, tuyến Quốc lộ có 14 điểm bị ngập chủ yếu tại Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15, Quốc lộ 9C, Quốc lộ 9E và Quốc lộ 1; đường Tỉnh lộ có 62 điểm bị ngập tại TP. Đồng Hới, các huyện Bố Trạch, Minh Hóa và Quảng Trạch. Ngoài ra còn 15 điểm sạt lở tại các tuyến Quốc lộ và tại huyện, thị.

Hiện dung tích của 35 hồ chứa thủy lợi lớn và vừa do Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi quản lý đã đạt 92,9% dung tích thiết kế; các hồ do địa phương quản lý đạt trên 98,92% dung tích.

Ít nhất 4 tỉnh thành thiệt hại do bão Trà Mi

Tại Thừa Thiên Huế, ghi nhận hai người tử vong do bão. Trong đó, một người bị nước cuốn tử vong khi qua đoạn đường ngập, một người bị đuối nước khi đi bắt cá.

Tại Quảng Nam, một người bị trượt thang và rơi xuống đất tử vong khi chằng mái nhà.

Theo báo cáo của Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 18h ngày 28/10, bão số 6 và mưa lũ sau bão đã khiến 39 vị trí đường giao thông bị sạt lở (Quảng Bình 35 vị trí, Quảng Trị 4 vị trí). Sự cố đường sắt Bắc – Nam tại khu Sa Lung -Tiên An gặp sự cố, phải thông đường.

8,6 km bờ biển bị xói lở (Quảng Bình 1,5km; Quảng Trị 5km; Thừa Thiên Huế 2,1km); 1,15 km kè, kênh mương bị hư hỏng tại tỉnh Quảng Trị.

bao tra mi it nhat 6 nguoi chet mat tich quang binh van ngap nang sau bao 5
Mưa gió lớn trên đường Dương Văn An, TP. Huế, ngày 27/10. (Ảnh chụp màn hình video/Thừa Thiên Huế/Facebook)

1.033 cây xanh đô thị bị gãy đổ, chủ yếu tại Đà Nẵng, còn lại ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam.

Thống kê con số thiệt hại quy theo tài sản chưa được công bố. Riêng UBND huyện Lệ Thủy – vùng ngập sâu nhất tại tỉnh Quảng Bình ước tính tổng giá trị thiệt hại gần 200 tỷ đồng (tính đến 9h ngày 29/10).

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, từ 19h ngày 27/10 đến 17h ngày 28/10, lượng mưa từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị từ 70-150mm. Lượng mưa đặc biệt lớn theo đo đạc tại một số trạm như Hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) 332mm; Hồ Thượng Sông Trí (Hà Tĩnh) 290mm; Trường Xuân (Quảng Bình) 373mm; Hồ Sông Thai (Quảng Bình) 491mm; Lâm Thủy (Quảng Bình) 433mm, Hướng Lập (Quảng Trị) 175mm, Thủy điện Hạ Rào Quán (Quảng Trị) 172mm.

Dự báo từ đêm 28/10 đến 30/10, khu vực từ Nam Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế có mưa từ 80-160mm, cục bộ có nơi trên 250mm.

Nguyễn Sơn