Bị nợ lương 8 tháng, hàng chục y bác sĩ BV Tuệ Tĩnh căng băng rôn ‘kêu cứu’
- Hoàng Minh
- •
Từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, 160 y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ nhận được 50% lương cơ bản (khoảng từ 1-3 triệu đồng/tháng). Riêng tháng 12, toàn bộ nhân viên tại bệnh viện không nhận được bất cứ đồng lương nào.
Trong hai ngày nay (11-12/1), nhiều bác sĩ, cán bộ nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh (thuộc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, ở đường Trần Phú, quận Hà Đông, Hà Nội) đã tập trung trước cổng bệnh viện căng băng rôn kêu cứu vì bị nợ lương.
Chị Lê Thanh Bình, kế toán viên, Tổ trưởng Tổ Công đoàn, cho biết bệnh viện có 160 cán bộ, nhân viên y tế. Trong đó đa số là điều dưỡng có bằng trung cấp, cao đẳng, phần lớn bác sĩ cũng là nhân viên hợp đồng, không có biên chế nên mức lương rất thấp.
Từ tháng 5/2021 đến tháng 11/2021, cán bộ y bác sĩ chỉ nhận được 50% lương, riêng tháng 12 chưa có đồng lương nào. Từ khi bệnh viện cắt giảm 50% lương, hiện tại mức lương trung bình của nhân viên y tế tại bệnh viện chỉ giao động từ 1-3 triệu đồng/tháng.
“Đại diện công đoàn cũng như tập thể nhân viên y tế bệnh viện đã nhiều lần có ý kiến nhưng đến nay sự việc này vẫn chưa được giải quyết mà ngày càng tồi tệ hơn. Cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Thực sự phải ra đường để khiếu nại như thế này tự cảm thấy rất nhục nhã, nhưng chúng tôi đã đến đường cùng và không còn lựa chọn nào khác”, chị nói.
Chị Bình cho hay chỉ 160 cán bộ công nhân viên (nhân viên không giữ chức vụ quyền hành, đang làm việc tại khối bệnh viện) bị cắt giảm lương, chứ lãnh đạo không bị như vậy; các khối khác thuộc học viện vẫn được đảm bảo lương thưởng, các khoản phúc lợi đầy đủ.
“1 cơ quan nhưng 2 chế độ, chúng tôi cùng ký hợp đồng như các bạn với giám đốc học viện, chỉ khác vị trí việc làm mà chúng tôi bị đối xử như thế”, chị Bình bức xúc nói, theo báo Tuổi Trẻ.
Cũng theo chị Bình, nguyên nhân của tình trạng nợ lương bắt đầu từ khi bệnh viện chuyển sang tự chủ. Bệnh viện Tuệ Tĩnh là bệnh viện thực hành hạng 3, chủ yếu phục vụ việc thực hành, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, hoàn toàn không có đủ năng lực để có thể tự chủ tài chính. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà năm 2019, lãnh đạo bệnh viện đột nhiên lại xin cơ chế tự chủ tài chính, việc này hoàn toàn không được đưa ra họp bàn hay thông báo với tập thể nhân viên y tế toàn bệnh viện.
“Tháng 6/2019 chúng tôi nhận được quyết định từ lãnh đạo bệnh viện, đến tháng 12/2019 toàn bộ cán bộ, nhân viên tại bệnh viện đã yêu cầu mở cuộc họp, trong đó 88% không đồng ý với quyết định tự chủ, chúng tôi không muốn vậy…”.
Báo Người Lao Động dẫn lời PGS.TS Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, cho biết bệnh viện Tuệ Tĩnh tự chủ từ năm 2019 – 2020, khi thực hiện chi thường xuyên chủ động tăng nguồn thu, bệnh viện không đạt được kế hoạch như dự kiến.
Do đó, nguồn thu của bệnh viện chỉ dành ưu tiên trả lương một số khoản chi nhất định, các khoản chi thường xuyên khác phải tạm ứng từ bệnh viện và vay từ các nguồn khác để chi trả.
Năm 2020, ảnh hưởng dịch bệnh, số lượng bệnh nhân tới khám giảm khiến nguồn thu sụt giảm. Bệnh viện tiếp tục phải vay từ học viện để chi trả. Tính tới 31/12/2020, số tiền bệnh viện chi vượt quá là hơn 9 tỷ đồng.
Năm 2021, dịch bệnh, bệnh viện giãn cách và bệnh nhân giảm, tăng chi phí đảm bảo phòng dịch. Bệnh viện đã thực hiện nhiều cắt giảm, xin bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ từ công đoàn y tế, tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng nợ lương trong những tháng vừa qua.
Theo ông Tuấn, học viện đề xuất xin tạm dừng loại hình là đơn vị chi thường xuyên (tự chủ) sang tự đảm bảo một phần chi thường xuyên. Việc tạm dừng tự chủ sẽ giúp cho bệnh viện giải quyết được những khó khăn trước mắt.
Cũng liên quan đến vụ việc trên, chiều 12/1, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam và Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ để giải quyết tình trạng nợ lương; báo về Bộ trước ngày 20/1.
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhân viên y tế bị nợ lương Hà Nội