Bình Định: Thu hồi văn bản ‘truy tìm cán bộ bảo tàng’ cung cấp hình ảnh tu bổ Tháp Bánh Ít
- Hoàng Minh
- •
Sau 3 ngày ban hành văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh và xử lý cán bộ, viên chức của Bảo tàng Bình Định cung cấp thông tin, hình ảnh tu bổ Tháp Bánh Ít ra bên ngoài, Sở VH-TT Bình Định đã phải thu hồi, với lý do “anh em soạn thảo câu chữ chưa rõ ràng dẫn đến hiểu nhầm”.
Sở VH-TT tỉnh Bình Định đã được UBND tỉnh này giao làm chủ đầu tư dự án tu bổ, tôn tạo nhằm phát huy giá trị di tích tháp Bánh Ít (xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước), một cụm tháp Chăm cổ có niên đại khoảng 1.000 năm.
Quá trình thực hiện việc tu bổ, tôn tạo, nhà thầu đã huy động máy móc, phương tiện cơ giới thi công, san gạt ở khu vực Tháp Bánh Ít, trong khi đó theo hồ sơ thiết kế được thẩm định, trong quá trình thi công, chủ đầu tư và nhà thầu thi công phải dùng phương pháp thủ công và máy đầm đất cầm tay…
Dư luận có phản ứng gay gắt vì cho rằng việc làm trên là hành vi phá hoại di tích và đề nghị phải truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư là Sở VH-TT Bình Định.
Điều đáng nói, trước phản ứng từ dư luận, ngày 18/3, Giám đốc Sở VH-TT Bình Định, ông Tạ Xuân Chánh lại ký văn bản yêu cầu Giám đốc Bảo tàng tỉnh này phải “khẩn trương kiểm tra, làm rõ việc cán bộ, viên chức tại đơn vị cung cấp thông tin, hình ảnh, video cho báo chí” xung quanh việc xây dựng, tu bổ và tôn tạo các hạng mục tại di tích Tháp Bánh Ít.
Ông Chánh yêu cầu xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin không đúng quy định và báo cáo kết quả thực hiện trước ngày 21/3.
Ông Chánh cho rằng dự án xây dựng, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích tại Tháp Bánh Ít được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt dự án đầu tư; Bộ VH-TT&DL, Cục Di sản Văn hóa đã thỏa thuận, thẩm định.
Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện dự án tại Tháp Bánh Ít, báo chí, dư luận và các trang mạng có một số phản ánh trái chiều, không mang tính chất xây dựng.
Sau đó, mặc dù đã tạm dừng các hạng mục chỉnh trang trên sân tại cụm Tháp Bánh Ít nhưng một số báo, trang mạng và dư luận vẫn còn thông tin trái chiều, làm nhiễu loạn thông tin, gây khó khăn cho việc tiếp tục tổ chức thực hiện các hạng mục tại di tích theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Bình Định.
Trước văn bản trên, đến ngày 21/3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang, đã chỉ đạo Giám đốc Sở VH-TT thu hồi.
“Tôi thấy văn bản của Sở VH-TT là không ổn. Việc đó chưa có một kết luận cụ thể thì không thể nói như vậy. Còn việc có dư luận trái chiều là bình thường”, ông Giang nói, theo báo Người Lao Động.
Cũng trong ngày 21/3, ông Tạ Xuân Chánh xác nhận đã thu hồi văn bản do ông đưa ra, và cho rằng là do “anh em soạn thảo câu chữ chưa rõ ràng dẫn đến hiểu nhầm”.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Đinh Bá Hòa, nguyên giám đốc Bảo tàng tỉnh Bình Định, cho biết ở góc độ một người dân, họ có quyền giám sát, lên tiếng khi chứng kiến các đơn vị, cơ quan tiến hành xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích cấp quốc gia.
“Nếu họ phản ánh đúng là việc tu bổ, tôn tạo di tích tháp Bánh Ít làm không đúng thì cơ quan có chức năng phải lắng nghe, phải sửa chữa. Cái quan trọng là mình phải sửa chữa để khắc phục cái sai của mình, chứ không phải truy tìm để xử lý người phản ánh đúng”, ông Hòa nói.
Tháp Bánh Ít nằm trên địa phận xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, là quần thể tháp lớn với bốn công trình kiến trúc cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, mang đậm dấu ấn văn hóa Chăm trên đất Bình Định.
Tháp Bánh Ít là quần thể đền tháp có số lượng nhiều nhất hiện còn ở Bình Định gồm 4 tháp: Tháp Cổng, Tháp Hỏa, Tháp Bia và Tháp Chính.
Căn cứ những dấu tích còn lại cho thấy, trước đây số lượng kiến trúc nhiều hơn, tạo thành một trung tâm tôn giáo hoàn chỉnh ở trung tâm của 3 thành cổ: thành Thị Nại, thành Cha, thành Đồ Bàn.
Cụm tháp được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1982 và là công trình kiến trúc cổ của Việt Nam lọt vào cuốn sách “1.001 công trình kiến trúc phải đến trong cuộc đời” của nhóm tác giả người Anh.
Từ khóa Tháp Bánh Ít Giám đốc Sở VH-TT Bình Định