Bình Thuận điều chỉnh chức năng Khu bảo tồn biển Hòn Cau
- Nguyễn Sơn
- •
Nếu được thông qua, Khu bảo tồn biển Hòn Cau (Bình Thuận) sẽ chuyển từ 4 vùng chức năng (vùng lõi, vùng đệm, vùng phục hồi sinh thái và vùng phát triển) thành 3 phân khu chức năng (phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, phân khu phục hồi sinh thái, phân khu dịch vụ hành chính) và vùng đệm.
Ông Nguyễn Thanh Phúc – Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau cho biết đề án “Rà soát, điều chỉnh phân khu chức năng và ranh giới Khu bảo tồn biển Hòn Cau, tỉnh Bình Thuận” đang được hoàn thiện để trình UBND tỉnh gửi lấy ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Trước đó, bản đề án này đã được Hội đồng thẩm định cấp tỉnh thống nhất thông qua và UBND tỉnh và Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến.
Khu bảo tồn biển Hòn Cau được UBND tỉnh Bình Thuận nằm trong danh sách 16 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam, được thành lập vào năm 2010, hoạt động theo Quy chế quản lý hoạt động số 42/2012/QĐ-UBND ngày 17/10/2012 của UBND tỉnh.
Theo quy chế trên, Khu bảo tồn biển Hòn Cau có tổng diện tích 12.500 ha; thuộc phạm vi 3 xã Phước Thể, Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong.
Diện tích mặt biển và toàn bộ diện tích đảo Hòn Cau được phân thành 4 vùng chức năng, gồm: vùng lõi 1.250 ha (gồm cả đảo Hòn Cau), vùng đệm 1.210 ha, vùng phục hồi sinh thái 808 ha và vùng phát triển 9.232 ha.
Trong đó, vùng lõ được bảo vệ nghiêm ngặt về hệ sinh thái, san hô và đa dạng sinh học; vùng đệm bao xung quanh vùng lõi nhằm hạn chế tối đa các hoạt động ảnh hưởng tới vùng lõi; vùng phục hồi sinh thái được bảo vệ, quản lý, tiến hành các hoạt động nhằm phục hồi đa dạng sinh học, nguồn lợi hải sản; vùng phát triển là vùng được phép khai thác hợp lý nguồn lợi hải sản, du lịch có sự giám sát của Ban Quản lý Khu bảo tồn biển.
Về lý do điều chỉnh quy hoạch, giới chức tỉnh Bình Thuận cho biết sau hơn 10 năm hoạt động, Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân và Cảng Quốc tế Vĩnh Tân, là những dự án kinh tế trọng điểm của Trung ương, của tỉnh đang chồng lấn trong vùng nước của khu bảo tồn biển. Điều này ảnh hưởng lớn đến chức năng của khu bảo tồn, đồng thời ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án nói trên tại khu vực này.
Ngoài ra, việc đánh giá hoạt động của Khu bảo tồn biển sau 10 năm hoạt động được cho là để có những điều chỉnh phù hợp trong việc quản lý khu bản tồn.
Theo dự tính, sau khi điều chỉnh, Khu bảo tồn biển Hòn Cau sẽ có diện tích là 16.607,5 ha (16.467,5 ha biển và 140 ha đất), được chia thành 3 phân khu chức năng và vùng đệm.
Trong đó, phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 1.523,5 ha (gồm phần biển là 1.384,5 ha và phần đất trên đảo Hòn Cau là 139 ha); phân khu phục hồi sinh thái 963,7 ha biển; phân khu dịch vụ – hành chính 14.120,3 ha (gồm 4.119,3 ha biển và 1 ha đất trên đảo Hòn Cau).
Vùng đệm của Khu bảo tồn biển Hòn Cau là phần biển có diện tích 1.356 ha.
Theo Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau, bản quy hoạch mới tiếp tục duy trì nguyên hiện trạng hoặc điều chỉnh các phân khu bảo vệ nghiêm ngặt tại Bãi cạn Brenda, Hòn Cau và phân khu phục hồi sinh thái ven bờ xã Vĩnh Tân. Ngoài ra, đề án thiết lập mới 2 phân khu phục hồi sinh thái tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể và xã Bình Thạnh nhằm bảo tồn, bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn lợi, đặc biệt là bảo tồn, bảo vệ và phát huy cảnh quan khu vực bãi rêu và bãi đá bảy màu, mục đích để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái gắn với di tích thắng cảnh chùa Cổ Thạch.
Tại Quyết định 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020. Danh mục gồm 16 khu bảo tồn biển. Đến năm 2018, 10/16 khu bảo tồn biển trong quy hoạch đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các tỉnh thành lập Ban Quản lý. Về mặt hành chính, các khu bảo tồn biển đang được nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau quản lý. Hiện có 2 khu bảo tồn biển trực thuộc quản lý của UBND tỉnh hoặc thành phố (Cù Lao Chàm, Vịnh Nha Trang); 3 khu bảo tồn biển trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (Hòn Cau, Phú Quốc, Cồn Cỏ); 5 khu là Vườn quốc gia có vùng biển đi kèm trực thuộc UBND tỉnh (Núi Chúa, Côn Đảo, Lý Sơn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ). Theo thống kê của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, hệ thống các khu bảo tồn biển này chiếm diện tích khoảng 0,24% diện tích vùng biển Việt Nam. Các khu bảo tồn biển sở hữu gần 70.000 ha rạn san hô, 20.000 ha thảm cỏ biển và một phần rừng ngập mặn; phần lớn các bãi giống, bãi đẻ và nơi cư trú của các loài thủy sản kinh tế; gần 100 loài đặc hữu và nguy cấp. Tất cả 16 khu bảo tồn biển của Việt Nam tập trung ở vùng biển ven bờ, xa nhất là khu bảo tồn biển Nam Yết thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. |
Nguyễn Sơn
Từ khóa Khu bảo tồn biển Hòn Cau Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân