Bình Thuận: Quan chức cho doanh nghiệp thuê 41ha đất, giá chỉ 32 đồng/m2
- Phạm Toàn
- •
41ha đất Nhà nước (417.634 m2) bị quan chức huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho một doanh nghiệp tại TP.HCM thuê với giá rẻ mạt, chỉ 32 đồng/m2, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Tờ Thanh tra cho biết trong tháng 5/2016, ông Nguyễn Hoàng Anh (một doanh nhân TP.HCM) có đơn gửi huyện Tuy Phong xin thuê 62ha đất tại khu vực Láng Lớn (xã Vĩnh Hảo) để trồng cỏ, bắp, chăn nuôi bò thịt.
Trong số 62ha đất, có 37ha đất của Nhà nước quản lý; khoảng 18ha đất của huyện cho các hộ dân thuê và 7ha là đất sản xuất nông nghiệp của các hộ dân đang canh tác. Toàn bộ diện tích này theo quy hoạch đã được phê duyệt của tỉnh Bình Thuận là đất trồng cây lâu năm.
Mặc dù biết việc cho ông Anh thuê đất là sai phạm, nhưng UBND huyện vẫn đồng ý.
Đáng chú ý, theo tờ Tuổi trẻ, chỉ trong một ngày (19/5/2017), huyện Tuy Phong vừa quyết định cho ông Anh thuê đất lại vừa cấp luôn 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thời hạn sử dụng đất 50 năm, hình thức thuê trả tiền hàng năm, với số tiền nộp cho Nhà nước là 13.400.000 đồng/năm.
Tờ Pháp luật TP.HCM viết: “Nhiều cán bộ và người dân khi biết giá cho thuê đất rẻ mạt này đều té ngửa và bức xúc bởi chỉ có 32 đồng/m2 và đều cho biết đó là “giá thuê đất thấp nhất thế giới”.
Tức 100m2 chỉ có 3.200 đồng, chưa mua được một trái bắp nướng trong khi giá đất thời điểm trên tại khu vực này do UBND tỉnh quy định đã có giá 10.500 đồng/m2.
Điều này cũng đồng nghĩa, ngân sách Nhà nước đã thiệt hại hàng trăm triệu đồng.”
Vị trí đất cho thuê đất nằm sát tuyến kênh tiếp nước Hồ Đá Bạc nên không phù hợp với việc xây dựng cơ sở chăn nuôi tập trung; dự án trồng cỏ, bắp nuôi bò thịt của ông Anh chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư,…
Vụ việc huyện Tuy Phong cho ông Anh thuê đất không đúng quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư làm phát sinh đơn thư khiếu nại phức tạp. Một số người dân đã gửi đơn thư khiếu nại về việc chưa công khai quy hoạch, lập hồ sơ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân, theo tờ Zing.
Hồ sơ vụ việc sẽ được chuyển sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, để tiếp tục điều tra dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý đất đai theo quy định tại Điều 229 Bộ Luật Hình sự năm 2015, theo báo Bình Thuận.
Trong một bài viết vào năm 2006, tờ Tuổi trẻ đã dẫn lời Thiếu tướng Trịnh Xuân Thu, phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh (Bộ Công an) cho rằng: ”Tỉnh nào cũng có chuyện chính quyền cấp cơ sở bán đất vô tội vạ. Các kiểu tham nhũng đất đai thì muôn hình vạn trạng”.
Ông Thu cho hay khi cho thuê đất hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng thì (cái gốc là) Nhà nước phải kiểm tra, giám sát, điều hòa giữa ba lợi ích: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. “Đa số các vụ việc chúng tôi xem xét thì thường thấy các cấp chính quyền cơ sở không quan tâm đến lợi ích của người dân.”
Doanh nghiệp muốn có lợi nhiều thì móc ngoặc với chính quyền. Chính quyền cơ sở, cấp huyện, cấp tỉnh muốn được “lại quả nhiều” thì phải làm cho doanh nghiệp được lợi nhiều. Muốn cho doanh nghiệp lợi thì phải hại đến lợi ích người dân.
“Muốn giải quyết rốt ráo vấn đề này phải xem xét trách nhiệm của chủ tịch tỉnh, người đứng đầu tỉnh đó không thể né tránh”, ông Thu nói.
Từ khóa huyện Bình Thuận doanh nghiệp thuê đất