Bộ Công an sẽ cấp thẻ căn cước công dân gắn chip từ ngày 1/1/2021
- Nguyễn Minh
- •
Với việc cấp thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip từ ngày 1/1/2021, kế hoạch này sẽ lùi 2 tháng so với dự kiến ban đầu.
Dự án sản xuất, cấp và quản lý Căn cước công dân gắn chip được ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt vào ngày 3/9/2020. Tổng vốn đầu tư là 2.696 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Hệ thống căn cước công dân được quản lý tập trung tại Bộ Công an, bao gồm: Đầu tư phần cứng (hệ nhận dạng sinh trắc học, máy chủ, máy trạm, thiết bị ngoại vi, thiết bị lưu trữ, thiết bị bảo mật); Đầu tư phần mềm (phần mềm thương mại, phần mềm ứng dụng); Dịch vụ đào tạo, triển khai thiết lập hạ tầng.
Dự kiến Bộ Công an sẽ lấy vân tay theo phương thức mới trên toàn quốc từ ngày 1/11/2020.
Giải thích về việc lùi thời gian triển khai, ông Tô Văn Huệ, Thiếu tướng công an, Cục trưởng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết là cần xin ý kiến chuyển đổi mẫu thẻ căn cước mới, đưa ra thông tư hướng dẫn; phải đầu tư máy móc, thiết bị mới và cấp cho tất cả địa phương, Vnexpress đưa tin.
- Bộ Công an dự định gắn chip trên thẻ căn cước công dân
- Đề án thẻ căn cước công dân gắn chip đã được phê duyệt
Hôm 10/8, trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, ông Tô Lâm, Đại tướng công an, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết thẻ CCCD hiện tại chứa đựng khoảng 20 trường thông tin. Với việc đổi sang thẻ CCCD gắn chip, các dữ liệu như thông tin về bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… sẽ được đưa vào thẻ để truy vấn thông tin nhanh hơn.
Sau khi được ký duyệt dự án, ngày 9/9, thông tin về loại thẻ CCCD gắn chip điện tử này mới được Bộ Công an đưa ra nhiều hơn. Tính ưu việt của loại thẻ này được đặc biệt nhấn mạnh, như có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, tích hợp nhiều ứng dụng (ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần…), kết nối rộng với các dịch vụ công cộng và tư nhân.
Người đi giao dịch và làm thủ tục hành chính sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chip; dễ bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan công an. Tuy nhiên, các nhược điểm hay các điều cần chú ý trong quá trình sử dụng thẻ này không được Bộ Công an đề cập tới.
Một điểm đáng chú ý, Bộ Công an cho biết dữ liệu trên chip có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip.
Hiện việc cấp, đổi CMND và CCCD đã dừng trên toàn bộ các tỉnh, thành, theo công bố là trừ các trường hợp cần thiết (do hết hạn, mất, hư hỏng).
Mẫu CMND 9 số màu nền xanh trắng nhạt được sử dụng từ năm 1999. Tới năm 2012, Bộ Công an chuyển sang mẫu CMND 12 số. Từ năm 2016, Bộ bắt đầu cấp thẻ CCCD có mã vạch, 4 năm sau, tiếp tục đưa ra dự án đổi toàn bộ sang thẻ CCCD gắn chíp.
Hiện tại, cả 3 mẫu thẻ công dân gồm: CMND 9 số, CMND 12 số, CCCD có mã vạch vẫn đồng thời lưu hành trong quản lý dân cư.
Nguyễn Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bộ Công an thẻ CCCD gắn chíp điện tử