Bộ Công an dự định gắn chip trên thẻ căn cước công dân
- Nguyễn Minh
- •
Đến tháng 11 tới, nếu đề án Căn cước công dân (CCCD) do Bộ Công an đề xuất được thông qua thì toàn bộ người Việt Nam sẽ phải sử dụng loại thẻ CCCD có gắn chip điện tử, khác với loại CCCD mã vạch hiện hành.
Gắn chip điện tử hay mã QR code… để truy vấn thông tin nhanh hơn
Dự án sử dụng mẫu thẻ CCCD gắn chip đã được Bộ Công an trình Chính phủ phê duyệt, nếu Thủ tướng thông qua thì sẽ thực hiện từ ngày 1/11/2020, Thiếu tướng Tô Văn Huệ – Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về TTXH (C06) cho biết.
Theo quy trình, đề xuất này đang được lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan.
Hiện Bộ Công an đã yêu cầu công an các tỉnh, thành tạm dừng cấp, đổi CMND và CCCD, trừ các trường hợp cần thiết phải cấp đổi (do hết hạn, mất, hư hỏng).
Vì sao cần phải đổi thẻ? Ông Huệ cho biết thẻ căn cước gắn chíp điện tử sẽ lưu trữ lượng thông tin lớn gấp nhiều lần so với thẻ căn cước mã vạch. Loại thẻ này ngoài số định danh cá nhân còn tích hợp với các dữ liệu khác của ngân hàng, bảo hiểm, bằng lái…, Vnexpress ngày 11/8 dẫn thông tin.
Hôm 10/8, trong cuộc họp của Thường vụ Quốc hội, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an cho biết thẻ CCCD hiện tại chứa đựng khoảng 20 trường thông tin. Bộ này đang tính tiếp tục tích hợp dữ liệu như thông tin về bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế…, tính toán việc gắn chip điện tử hay mã QR code hoặc các ứng dụng khác vào tấm thẻ để truy vấn thông tin nhanh hơn.
Đổi sang CCCD gắn chip trước khi làm quản lý dân cư bằng mã số
Luật Căn cước công dân 2014 có hiệu lực từ 2016 quy định mặt sau của CCCD có bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa. Thời điểm này, Bộ Công an triển khai thẻ CCCD 12 số có mã vạch 2 chiều. Luật này cũng quy định chậm nhất đến ngày 1/1/2020, việc quản lý công dân phải hoàn tất quản lý bằng thẻ CCCD.
Tuy nhiên, đến tháng 6/2020, Bộ Công an trình dự án luật Cư trú sửa đổi, trong đó có đề xuất quản lý cư dân bằng số định danh cá nhân thay cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Cụ thể, cơ quan quản lý sử dụng mã số định danh cá nhân của công dân để truy cập, cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Cơ sở dữ liệu này chạy trên mạng được chia sẻ, kết nối với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị có liên quan.
Điều này đòi hỏi cần hoàn tất việc lưu trữ dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tại thời điểm này, Bộ Công an cho biết việc cấp CCCD mới chỉ đạt hơn 15% trên tổng số dân cư cả nước (khoảng 16 triệu số định danh và CCCD trên tổng số 96 triệu dân, tương đương 15,36%), còn gần 80 triệu người chưa được cấp CCCD. Trước mắt tập trung cấp cho người từ 14 tuổi trở lên, theo Bộ Công an, thì còn khoảng 50 triệu người, Bộ này cho rằng có thể hoàn thành cấp trong một năm (từ tháng 7/2020 đến tháng 7/2021).
Sau đó, Bộ Công an yêu cầu các tỉnh, thành đẩy nhanh việc cấp CCCD. Tại TP.HCM, công an tăng thêm làm cả sáng chủ nhật (trước chỉ làm tới sáng thứ 7), ngoài ra còn nhận đăng ký theo giờ hẹn qua tổng đài và đăng ký online.
Lúc này, Bộ Công an kiến nghị đổi sang mẫu thẻ căn cước lưu trữ nhiều thông tin cá nhân hơn. Để không xảy ra phản ứng trong dân cư, Bộ này đưa ra phương án những người đã có thẻ CCCD có mã vạch sẽ không bắt buộc phải đổi sang thẻ gắn chíp khi chưa hết hạn. Tuy nhiên, điều này có nghĩa đến cuối năm 2020, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử bắt đầu được cấp, trong quản lý dân cư sẽ đồng thời lưu hành 4 mẫu thẻ công dân cùng có giá trị sử dụng gồm: CMND 9 số; CMND 12 số; CCCD có mã vạch và CCCD gắn chíp điện tử.
Theo đó, sớm hay muộn, người dân vẫn sẽ tiếp tục phải trải qua một quá trình đổi thẻ, cung cấp nhiều thông tin cá nhân hơn lưu trữ vào một mã định danh cá nhân.
Về phía Bộ Công an, dù chưa đưa ra thời hạn cấp đổi sang cùng một loại thẻ CCCD, tại cuộc họp hôm 10/8, ông Tô Lâm vẫn khẳng định đến ngày 1/7/2021 có thể bỏ sổ hộ khẩu (giấy).
Nguyễn Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bộ Công an số định danh cá nhân thẻ căn cước công dân bỏ sổ hộ khẩu thẻ CCCD gắn chíp điện tử