Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) vừa phát đi cảnh báo về hoạt động đào tạo đội nhóm bằng các hình thức phản cảm như “đánh roi”, “bắn dây thun”… được lan truyền trên mạng xã hội trong thời gian gần đây. 

huyen phi bung dan chun scaled
Hoạt động đào tạo đội nhóm bằng các hình thức phản cảm được lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây. (Ảnh: Chụp màn hình video)

Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, thời gian vừa qua xuất hiện nhiều hình thức đào tạo đội nhóm bán hàng với các phương thức không phù hợp, gây phản cảm như “đánh roi”, “bắn dây chun”, “hò hét kích động”…

Đây là các hình thức hoạt động đội nhóm của các hệ thống bán hàng nhằm kích thích tinh thần nhưng được thực hiện dưới các phương thức không phù hợp về tính chất giáo dục. Các hình thức đào tạo này có thể gây lệch lạc về nhận thức và tác động tiêu cực đến cảm xúc, hành vi của người chứng kiến.

Các hình thức đào tạo này cũng thường được sử dụng trong các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thao túng tâm lý, lôi kéo, dụ dỗ, người tham gia, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về tinh thần, thể chất và thiệt hại kinh tế.

Để ngăn ngừa thiệt hại không đáng có, Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia cảnh báo người dân không nên tham gia vào các hoạt động đào tạo, huấn luyện có biểu hiện không tích cực như nêu trên để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất, tinh thần và pháp lý.

“Báo tin kịp thời đến các cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp phát hiện các hội nhóm hoạt động theo các hình thức tiêu cực như nêu trên có biểu hiện kinh doanh đa cấp, trả thưởng theo mô hình đa cấp, để có biện pháp xử lý.”, cơ quan chức năng khuyến cáo.

Trước đó, cuối tháng 9 vừa qua, video nữ “tổng tài” bắn dây thun vào cổ tay của nhiều cấp dưới trong sự kiện đào tạo của một doanh nghiệp kinh doanh mỹ phẩm đã được lan truyền rộng rãi trên khắp các mạng xã hội và nhận về nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều người xem cho rằng trò chơi “đào tạo” này là hành động gây đau đớn không cần thiết.

Ngay sau đó, trên trang Facebook cá nhân, bà Hoàng Phi Huyền – CEO của Huyền Phi Cosmetics đăng bài viết cho biết ngày 22/9, bà tham gia một chương trình đào tạo của một nhóm giám đốc kinh doanh với vị trí khách mời.

“Trong chương trình, có một trò chơi bắn chun nhằm minh họa sức mạnh của đội nhóm, sự đoàn kết và sự thiệt thòi của thủ lĩnh, và trò chơi này đã thực sự chạm đến cảm xúc của mọi người tham gia. Tuy nhiên, vì quá cảm xúc, bạn trợ lý của mình đã chia sẻ một đoạn video lên lên mạng xã hội. Điều này không ngờ lại tạo ra một số ý kiến trái chiều, có lẽ do những ai không tham dự chương trình không hiểu được bối cảnh và mục đích của trò chơi.”, bà Huyền chia sẻ.

huyen phi dam gai hoa hong
Hoạt động đào tạo đội nhóm bằng các hình thức phản cảm được lan truyền trên mạng xã hội thời gian gần đây. (Ảnh chụp màn hình video)

Mỹ phẩm Huyền Phi từng nhiều lần bị xử phạt, đình chỉ thu hồi sản phẩm

Theo báo Dân trí, doanh nghiệp đứng sau những clip đào tạo bán hàng gây ồn ào trên mạng xã hội là Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi (Huyền Phi Cosmetics). Doanh nghiệp này được thành lập vào tháng 5/2017. Trụ sở chính tại quận Cầu Giấy (TP. Hà Nội) do ông Hoàng Văn Hưng (SN 1990) làm Chủ tịch HĐTV kiêm Người đại diện pháp luật. Ngành nghề chính của doanh nghiệp là bán buôn nước hoa, hàng mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh.

Trên website của công ty, bà Hoàng Phi Huyền được giới thiệu là người sáng lập, kiêm Tổng giám đốc của Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi. Kể từ năm 2017 đến nay, công ty này liên tục mở rộng quy mô và khánh thành nhà máy sản xuất mỹ phẩm diện tích khoảng 2.500m2 tại tỉnh Long An vào tháng 5/2022.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này từng nhiều lần bị cơ quan chức năng xử phạt, đình chỉ thu hồi sản phẩm do chứa chất cấm, vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo hay phát hiện các sản phẩm không rõ nguồn gốc.

Theo đó, tháng 3/2023, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế đã đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Serum thâm X2 – Nhãn hàng Huyền Phi Cosmetics do Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi phân phối.

Mẫu kiểm nghiệm cho thấy sản phẩm này chứa hydroquinone – chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định.

Đồng thời, tính năng, công dụng và thành phần công thức sản phẩm kê khai tại phiếu công bố không thống nhất với tính năng, công dụng và thành phần công thức ghi trên nhãn sản phẩm. Nhãn sản phẩm không ghi tên nước sản xuất theo quy định.

bo cong thuong canh bao hoat dong dao tao ban hang ban day thun danh roi1
Nhiều sản phẩm của Huyền Phi chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành bị phát hiện hồi đầu năm 2021. (Ảnh: dms.gov.vn)

Công ty này cũng từng bị Sở Y tế Hà Nội xử phạt 45 triệu đồng về vi phạm chưa có xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm Serum Inod khử mùi hôi nách của mỹ phẩm Huyền Phi.

Tháng 1/2021, Đội Cảnh sát Kinh tế – Công an quận Long Biên (Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 16 (Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội) cũng phát hiện hơn 2.000 sản phẩm là các mặt hàng thực phẩm chức năng và mỹ phẩm.

Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận toàn bộ sản phẩm này đều không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của sản phẩm. Nhiều loại sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Số hàng hóa trên thuộc 15 chủng loại khác nhau bao gồm: ủ tảo xoắn Alota, sữa rửa mặt, tắm trắng thuốc bắc, gel tẩy tế bào chết, kem face nano, tinh chất sâm tố nữ, sữa dành cho người gầy Naruta Gain… Tất cả sản phẩm đều mang nhãn hiệu của Công ty TNHH Mỹ phẩm Huyền Phi.

Khánh Vy (t/h)