Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh quy định đào tạo tiến sĩ
- Văn Duy
- •
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm tại TP.HCM, lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), trong đó đề xuất siết chặt quy định đào tạo tiến sĩ để nâng cao chất lượng.
- Bản chất thật sự của giáo dục con cái chính là không liên tục “sửa lỗi”
- Giáo dục Việt Nam cần phương pháp, kỹ thuật hay nguyên lý?

Ngày 1/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tọa đàm tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, do Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn chủ trì, để lấy ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục đại học (sửa đổi).
Dự thảo gồm 9 chương, 54 điều, được xây dựng ngắn gọn, mang tính nền tảng, đảm bảo đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan đến khoa học công nghệ, cán bộ, công chức, viên chức.
Dự thảo đề xuất 6 nhóm chính sách mới, bao gồm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiện đại hóa chương trình đào tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thúc đẩy học tập suốt đời, định vị các trường đại học là trung tâm nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tăng cường huy động nguồn lực, phát triển đội ngũ giảng viên, và đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Các quy định được xây dựng rõ ràng, dễ áp dụng, tránh chồng chéo hoặc mâu thuẫn pháp lý.
Liên quan đến đào tạo tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thu hẹp và kiểm soát chặt chẽ các chương trình. Theo đó, Bộ trưởng sẽ phê duyệt danh sách chương trình đào tạo tiến sĩ, thay vì các trường tự mở khi đủ điều kiện như hiện nay. Việc kiểm định chất lượng cũng được thực hiện nghiêm ngặt hơn.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết động thái này nhằm giải quyết các ý kiến từ đại biểu Quốc hội và người dân về chất lượng đào tạo tiến sĩ. Hiện Việt Nam có gần 100/240 trường đại học đào tạo tiến sĩ, với chỉ tiêu 5.000–7.000 mỗi năm. Năm học 2023-2024, các trường tuyển khoảng 3.400 nghiên cứu sinh, đạt 47% chỉ tiêu.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận định các quy định mới về tổ chức và quản trị, đặc biệt về Hội đồng trường, sẽ giải quyết những bất cập tồn tại, tăng tính tự chủ và minh bạch.
Tuy nhiên, ông cho rằng quy trình mở chương trình đào tạo tiến sĩ còn cứng nhắc, khi yêu cầu trường phải có đào tạo bậc thấp hơn (đại học, thạc sĩ).
Ông đề xuất cho phép các trường mở chương trình thạc sĩ, tiến sĩ nếu đáp ứng đủ điều kiện về đội ngũ, cơ sở vật chất, nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các lĩnh vực mới như AI, bán dẫn, blockchain.
PGS.TS Trịnh Quốc Trung, Trưởng phòng Đào tạo sau đại học, Trường Đại học Luật TP.HCM, đặt câu hỏi liệu các trường đã được cấp phép đào tạo tiến sĩ trước đây có cần xin phê duyệt lại.
Trong khi đó, TS Trương Tấn Đạt, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Đồng Tháp, đánh giá cao tính khả thi của dự thảo nhưng lưu ý về quy định Hội đồng trường “không tham gia quản lý, điều hành”. Ông đề xuất xem xét để đảm bảo Hội đồng trường có đủ quyền hạn mà không gây chồng chéo với ban giám hiệu.
PGS.TS Bùi Anh Thủy, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Văn Lang, góp ý về vai trò của Hội đồng Khoa học và Đào tạo, được dự thảo xác định là tổ chức tư vấn chuyên môn, chịu trách nhiệm trước hội đồng trường và hiệu trưởng. Ông đặt vấn đề liệu hiệu trưởng có phải chịu trách nhiệm với các nội dung do hội đồng này tư vấn.
PGS.TS Lê Tuấn Lộc, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), đề xuất thêm về tổ chức Hội đồng trường và cơ chế tự chủ cho các trường thành viên của đại học quốc gia, đại học vùng.
Về xếp hạng đại học, dự thảo quy định các trường tự chọn bảng xếp hạng phù hợp, chịu trách nhiệm về tính chính xác của dữ liệu cung cấp.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung cho rằng cần quy định chặt chẽ hơn về tổ chức xếp hạng, để tránh kết quả thiếu tin cậy, gây nhiễu loạn thông tin hoặc ảnh hưởng uy tín các trường.
Văn Duy
Từ khóa kiểm định chất lượng TP.HCM Bộ Giáo dục và Đào tạo dự thảo luật đào tạo tiến sĩ giáo dục đai học tự chủ đại học
