Đó là một trong nhiều chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội – giáo dục v.v sẽ có hiệu lực từ tháng 2/2019.

thanh-ly-xe-cong-2
(Ảnh minh họa: qua truuber.com)

Bộ trưởng được đi xe công có giá tối đa 1,1 tỷ đồng

Tháng 1/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 04/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/2/2019 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô trong các cơ quan Nhà nước.

Nghị định nêu rõ: 4 chức danh chủ chốt gồm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên 1 ôtô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được sử dụng 01 xe ôtô có giá tối đa 1,1 tỉ đồng trong thời gian công tác.

Thứ trưởng, Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND của Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.

Trường hợp người tiền nhiệm nghỉ, chuyển công tác hoặc thôi giữ chức vụ, ôtô đã trang bị chưa đủ điều kiện thanh lý, thay thế thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới.

Một số thay đổi về môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/2/2019.

Đáng chú ý, có một số môn học mới sẽ xuất hiện trong chương trình học của nhiều cấp học.

Cụ thể, cấp tiểu học sẽ có môn học mới là Tin học và Công nghệ. Với cấp trung học cơ sở, môn Tin học trở thành môn học bắt buộc.

Ở cấp trung học phổ thông, học sinh được lựa chọn học theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý); nhóm Khoa học tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm Công nghệ và nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Điều chỉnh tiền lương tháng đóng BHXH

BHXH
(Ảnh minh họa: Chinhphu.vn)

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng bảo hiểm xã hội. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/2/2019, áp dụng từ ngày 1/1/2019.

Theo đó, từ ngày 1/1/2019, tiền lương tháng đã đóng BHXH với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định bắt đầu tham gia BHXH từ năm 2016 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định… được điều chỉnh theo công thức:

Tiền lương tháng đóng BHXH sau điều chỉnh của từng năm = Tổng tiền lương tháng đóng BHXH của từng năm X (nhân) mức điều chỉnh tiền lương đã đóng BHXH của năm tương ứng. Trong đó, mức điều chỉnh của các năm 2016; 2017; 2018 và 2019 lần lượt là 1,07; 1,04; 1,00 và 1,00.

Phải lấy ý kiến trẻ em khi xây dựng văn bản liên quan

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 36/2018/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện lấy ý kiến của trẻ em trong quá trình xây dựng chương trình, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội về trẻ em hoặc liên quan đến trẻ em.

Thông tư này có hiệu lực từ 15/2/2019.

Theo đó, cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản, tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, Hội bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam (cơ quan, tổ chức lấy ý kiến của trẻ em) chủ động tổ chức thực hiện việc lấy ý kiến của trẻ em trên cơ sở sự tham gia tự nguyện của trẻ em.

Khi lấy ý kiến phải cung cấp đầy đủ thông tin cho trẻ em; nội dung, hình thức lấy ý kiến phải phù hợp với độ tuổi, giới tính, dân tộc, hoàn cảnh, mức độ trưởng thành sự phát triển của trẻ em.

Thanh Thuỷ

Xem thêm: