Theo kết quả kiểm kê di tích của các địa phương, Việt Nam hiện có khoảng 40.000 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh.

di tich mieu ba chua su
Theo Báo cáo số 174/BC-BTC của Bộ Tài chính, năm 2023, di tích miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang thu 220 tỷ đồng. (Ảnh: dulichnuisam.vn)

Bộ VH-TT&DL vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát, điều chỉnh và thực hiện xác định đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp có di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt.

Bộ VH-TT&DL đề nghị những đơn vị hành chính sau sắp xếp có di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được công nhận, xếp hạng, ghi danh sẽ giữ nguyên tên gọi các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di tích quốc gia đặc biệt, di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh, thành phố đã được công nhận, xếp hạng để không làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích cũng như giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích.

Đồng thời, các địa phương cập nhật địa danh gắn với di tích theo đơn vị hành chính mới được sắp xếp; rà soát, điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của tổ chức.

Bộ VH-TT&DL cũng yêu cầu giữ nguyên tên gọi các khu du lịch quốc gia đã được công nhận, đồng thời cập nhật địa danh gắn với khu du lịch theo đơn vị hành chính mới.

Sau sắp xếp, các địa phương cần điều chỉnh tên gọi, địa danh, địa chỉ mới của các tổ chức, ban quản lý khu du lịch liên quan trực tiếp.

Về bảo vật quốc gia, Bộ cũng yêu cầu các địa phương sau sắp xếp rà soát, xác định và điều chỉnh đơn vị hành chính nơi đang lưu giữ bảo vật quốc gia so với tên đơn vị hành chính trong Quyết định công nhận bảo vật quốc gia của Thủ tướng Chính phủ.

Trong lĩnh vực văn hóa cơ sở, Bộ VH-TT&DL đề nghị các địa phương bổ sung đối tượng rà soát là các lễ hội truyền thống đang được tổ chức tại các di tích được công nhận, xếp hạng là di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản lịch sử quốc gia đặc biệt, trừ các lễ hội truyền thống đã được UNESCO ghi danh hoặc trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các lễ hội truyền thống này được xác định theo 2 cấp là “lễ hội truyền thống cấp tỉnh” hoặc “lễ hội truyền thống cấp xã”.

Theo kết quả kiểm kê di tích của các địa phương, Việt Nam hiện có khoảng 40.000 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh phân bố trên khắp các vùng miền trong cả nước; 70.000 di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê; gần 3 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia…

Theo Báo cáo số 174/BC-BTC của Bộ Tài chính, năm 2023, số tiền công đức, tài trợ tại các di tích lịch sử – văn hóa trên cả nước là 4.100 tỷ đồng và con số này được đánh giá là “chưa đầy đủ”.

Trong số 4.100 tỷ đồng, số thu tại các cơ sở tín ngưỡng là 3.062 tỷ đồng (75%). Số thu tại các cơ sở tôn giáo 1.038 tỷ đồng (25%).

7 di tích thu trên 25 tỷ đồng, gồm: miếu Bà Chúa Xứ ở Châu Đốc, An Giang 220 tỷ đồng; đền Bảo Hà ở Bảo Yên, Lào Cai 71 tỷ đồng; khu di tích lịch sử Nhà tù Côn Đảo ở Bà Rịa – Vũng Tàu 34 tỷ đồng;

Đền Sòng Sơn ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa 28 tỷ đồng; Đền Hùng ở Phú Thọ 26 tỷ đồng và 2 di tích ở Hà Nội: đình La Khê ở Hà Đông 28 tỷ đồng và đền Trình Ngũ Nhạc (chùa Hương) ở Mỹ Đức 33 tỷ đồng.

Có 7 tỉnh, thành phố có số thu trên 200 tỷ đồng, gồm: Hà Nội 672 tỷ đồng, Hải Dương 278 tỷ đồng, An Giang 277 tỷ đồng, Bắc Ninh 269 tỷ đồng, Hưng Yên 242 tỷ đồng, Nam Định 215 tỷ đồng.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, dự kiến ban đầu, sẽ có khoảng 34 tỉnh, thành phố trên cơ sở sắp xếp lại 63 tỉnh, thành phố hiện nay; kết thúc hoạt động của tổ chức cấp huyện và sẽ tổ chức khoảng 5.000 cấp xã, phường.

Theo kế hoạch của Chính phủ, trước 30/5, hồ sơ Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh sẽ được trình Quốc hội. Sau quá trình thẩm tra, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Đề án trước ngày 20/6. Chính phủ tổng kết việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp trước ngày 20/9.

Minh Long