Chiều 26/5, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thanh Long – Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận: “Lâu nay vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều…”. Đồng thời gian, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho hay đã đề nghị thu hồi Huân chương Lao động hạng Ba đã trao cho Việt Á – công ty nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 với con số 20 quan chức thuộc cấp Bộ, Sở, CDC… đã bị bắt. 

ong nguyen thanh long
Ông Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế trong cuộc họp vào chiều 25/5 tại tòa nhà Quốc hội. (Ảnh: quochoi.vn)

Vấn đề về tài chính có rất nhiều

Chiều 26/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội dẫn Dự luật Giá dịch vụ được cấu thành từ ba nhóm chi phí, trong đó có loại “chi phí khác” để nêu ý kiến về giá dịch vụ khám chữa bệnh.

“Vừa qua trong xác định giá dịch vụ y tế có nhiều vấn đề. Luật lần này làm sao phải cụ thể hóa càng nhiều càng tốt để sau này xác định giá sẽ cụ thể hơn. Nếu không sẽ khó xác định “chi phí khác” là chi phí nào?”, bà Hà nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần phải có cơ chế ứng xử khác nhau giữa các loại hình khám chữa bệnh công lập, tư nhân và xã hội. Trước ý kiến cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân tự định giá dịch vụ, ông Huệ cho rằng cần thận trọng. “Xã hội hóa cao sinh ra lạm dụng khoa học công nghệ, lạm dụng kỹ thuật cao, vô tình làm giảm hiệu lực, hiệu quả của y tế cơ sở, đẩy hết lên tuyến trên, làm áp lực lên tuyến trên. Và nếu không thanh tra, kiểm tra, giám sát kỹ lưỡng sẽ dễ xảy ra sai phạm, tiêu cực trong khám, chữa bệnh”, ông Huệ đưa ra ý kiến.

Đưa ra ý kiến giải trình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng vấn đề về tài chính có nhiều, và thực tế hiện nay chưa tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, mà mới tính 2/4 yếu tố cấu thành giá.

Theo ông Long, chưa làm được điều này là do điều kiện kinh tế – xã hội, mức đóng bảo hiểm y tế và nhiều yếu tố khác. “Rất khó khăn đối với ngành y tế”, ông Long nói.

Với giá lần này khi đưa vào luật, ông Long cho biết sẽ đưa từng bước tính đúng, tính đủ và có nhiều yếu tố cấu thành giá để khuyến khích các bệnh viện phát triển hơn, chứ không phải cào bằng. Các công cụ tài chính khác cũng được xây dựng trong dự án Luật bảo hiểm y tế để đáp ứng được yêu cầu này.

Vấn đề về xã hội hóa, ông Long nói: “Bấy lâu nay vấn đề xã hội hóa đối với y tế bị sai phạm rất nhiều, nên chúng tôi đang xây dựng nghị định liên doanh, liên kết xã hội hóa trong lĩnh vực y tế để trình sớm với Chính phủ”.

Ông Long cho biết thêm lần này chỉ quy định khung giá, để trên cơ sở đó HĐND địa phương căn cứ vào phân cấp, phân hạng, điểm chấm của cơ sở y tế nhằm quyết định giá trong khung. Việc này được cho là vừa khuyến khích, vừa tạo trách nhiệm đối với tỉnh, thành phố.

Đối với vấn đề mới là thi, cấp chứng chỉ hành nghề trong dự thảo luật, ông Long cho hay đến nay chỉ duy nhất Việt Nam là nước không có thi, cấp chứng chỉ hành nghề mà cứ học xong, thực tập 18 tháng và căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ để cấp. Do đó, không đánh giá được chất lượng của bác sĩ khi ra trường sẽ hành nghề như thế nào. Chưa kể, 27 trường đào tạo ngành y, mỗi trường lại có chất lượng khác nhau.

Ông Long cho hay sắp tới muốn có chứng chỉ hành nghề thì bắt buộc phải tham dự thi, chứng chỉ có giá trị trong 5 năm. Hiện dự thảo luật đã đưa ra 2 cách thức cấp chứng chỉ hành nghề: (1) trong giai đoạn 5 năm đó có thể tham gia các hội thảo, chuyển giao các kỹ thuật, có thể triển khai những chuyên môn mới; (2), nếu như không có những yếu tố trên thì bắt buộc phải học lại.

Theo ông Long, một bác sĩ khi ra trường, tốt nghiệp là đã có thể hành nghề được. Trong quá trình đó, năng lực bác sĩ hành nghề sẽ được nâng lên. Còn nếu bây giờ cấp chứng chỉ suốt đời thì không có động lực cho người bác sĩ phải học.

TP.HCM đề nghị thu hồi Huân chương Lao động hạng Ba đã trao cho Việt Á

Cùng trong chiều 26/5, bên hành lang Quốc hội, trao đổi với báo chí về vụ sai phạm của Công ty Việt Á, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết UBND TP.HCM đã gửi công văn tới Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đề nghị thu hồi Huân chương Lao động hạng Ba đã trao cho Việt Á.

Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương xác nhận cơ quan này đã nhận được văn bản của UBND TP.HCM và đang làm quy trình để thu hồi Huân chương Lao động hạng Ba đã trao cho Việt Á.

Hồi tháng 3/2021, Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba cho Công ty Việt Á. Việc tặng thưởng này xuất phát từ đề nghị của TP.HCM, là nơi Việt Á đăng ký hoạt động. Theo đó, thủ tục hủy bỏ quyết định khen thưởng cũng phải bắt đầu từ TP.HCM.

Tháng 1/2022, Bộ Công an tuyên bố Công ty Việt Á đã nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45%. Tổng doanh thu Việt Á bán kit xét nghiệm cho các tỉnh thành là khoảng 4.000 tỷ đồng. Số tiền Việt Á thu về trong vụ này là trên 500 tỷ đồng; số tiền “hoa hồng” mà Việt Á chi cho các “đối tác” là gần 800 tỷ đồng.

Tính từ ngày 18/12/2021, khi Tổng giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt bị bắt, tới ngày 25/5 vừa qua, hơn 40 người đã bị khởi tố liên quan đến vụ án này. Trong đó, có 4 quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và công nghệ và 16 lãnh đạo, cán bộ CDC, sở y tế các tỉnh, thành.

Người vừa bị khởi tố gần đây nhất, vào ngày 25/5, là ông Nguyễn Huỳnh, Phó trưởng phòng quản lý giá Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), từng là thư ký của ông Nguyễn Thanh Long khi ông này làm Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế.

Nguyễn Quân