Cháy sân khấu ‘Kong: Skull Island’ và 2 vụ hỏa hoạn cùng ngày
- Nguyễn Quân
- •
Cháy lớn không chỉ gây nguy hiểm về tính mạng và thiệt hại lớn về tài sản, mà còn làm mất uy tín, niềm tin khi nguyên nhân để xảy ra hỏa hoạn lại từ sự khinh suất, chủ quan.
Ba vụ hỏa hoạn trong một ngày
Ngày 9/3 vừa qua đi, với ba đám cháy diễn ra từ trưa đến tối. Hai vụ xảy ra tại Đồng Nai, một vụ xảy ra tại TP.HCM. May mắn là mọi người đều an toàn, nhưng thiệt hại về tài sản từ hàng trăm triệu trở lên.
* Lễ công chiếu “Kong: Skull Island” – bộ phim có mức đầu tư 190 triệu USD có hơn một tháng ghi hình tại Việt Nam – tại một trung tâm thương mại ở quận 7, TP.HCM đã diễn ra trong hoảng loạn với vụ hỏa hoạn bất ngờ. Ngay sau tiết mục biểu diễn với lửa của dàn vũ công, sân khấu chính bốc cháy.
Hiện trường náo loạn khi các khách mời và khán giả phải di tản khẩn cấp khỏi khu vực. Điện tại khu vực trung tâm thương mại – nơi diễn ra buổi công chiếu – phải ngắt tạm thời. Chỉ sau ít phút, toàn bộ sân khấu được đầu tư một tỷ đồng bị ngọn lửa bao trùm, bốc cao khoảng 10m. Mặc dù đám cháy được dập tắt ngay sau đó, nhưng toàn bộ sân khấu, các thiết kế, dàn âm thanh, màn hình bị phá hỏng. Mô hình khỉ Kong cao khoảng 5m cháy trơ khung kim loại.
Sự kiện thảm đỏ phải hủy bỏ ngang, khách mời lên thẳng phòng chiếu thưởng thức tác phẩm. Mặc dù đại diện BTC sự kiện, ông Dong Won Kwak- TGĐ công ty CJ CGV, đã gửi lời xin lỗi, đồng thời thông báo không có bất cứ thiệt hại nào về người, song nỗi sợ hãi và ấn tượng để lại đối với các quan khách trong đó có các nhân vật quốc tế, bao gồm đại diện của lãnh sự Mỹ tại Việt Nam, không thể ngay lập tức qua đi.
Ông Võ Trọng Nam – Phó Giám đốc Sở văn hóa – Thông tin TP.HCM, khách mời tại sự kiện – cho biết ông chưa thể nói được gì trước sự cố bất ngờ này.
Được biết, lửa thật từ ngọn đuốc đạo cụ đã bén vào các mô hình, cảnh trí được làm từ xốp, giấy rồi lan sang mô hình khỉ Kong được tạo hình bằng vật liệu dễ cháy, gây nên vụ hỏa hoạn.
* Trưa cùng ngày, tại Đồng Nai, chợ đầu mối Tân Biên (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) cháy nghiêm trọng khiến 7 kiốt bị thiêu rụi.
Đám cháy phát ra từ một kiốt bán trái cây, rồi nhanh chóng bùng lên dữ dội. Nhiều người dùng bình chữa cháy tại chỗ để dập lửa nhưng không hiệu quả. Sau hơn 1 giờ, đám cháy được cảnh sát PCCT dập tắt nhưng dãy gồm 7 kiốt chứa đầy trái cây và nhiều tài sản khác bị thiêu rụi. Thiệt hại tài sản ước tính lên tới hàng trăm triệu đồng.
Theo các nhân chứng, một hộ kinh doanh trái cây ở vòng ngoài chợ thuê thợ đến hàn lồng sắt cho kiốt số 18. Trong quá trình làm việc, xỉ hàn bắn sang kiốt số 16 và 17 chứa nhiều thùng xốp đựng trái cây và bắt lửa. Thấy cháy, nhiều người tìm cách dập lửa nhưng kiốt 17 đang khóa kiên cố, lại không tìm được bình chữa cháy và nguồn nước nên ngọn lửa nhanh chóng bùng phát và lan nhanh sang các ki-ốt bên cạnh.
Chợ Tân Biên là chợ đầu mối nông sản của thành phố Biên Hòa, được xây xong từ năm 2006 với kinh phí trên 106 tỷ đồng để thay thế cho chợ Sặt đã xuống cấp, thiếu an toàn. Chợ có quy mô lớn với diện tích 5.200m2, gồm 250 sạp (tầng trệt) dành cho chợ đêm và 677 sạp (tầng lửng) dành cho chợ ngày. Ban ngày nhiều ki-ốt khóa cửa, không có người trông coi.
* Trước đó một tiếng, quán cà phê 49 trên đường Hà Huy Giáp, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai) cũng bốc cháy. Nhiều người cố gắng dùng bình cứu hỏa mini để dập lửa nhưng không hiệu quả. Sau 1h đồng hồ, đám cháy được lực lượng PCCC dập tắt, nhưng hậu quả là nhiều tài sản, vật dụng trong quán cà phê đã bị thiêu rụi.
Hiểm họa nảy sinh từ tính chủ quan
Trong một năm 2016, cả nước xảy ra 3.006 vụ cháy, nổ làm 98 người chết, bị thương 180 người, thiệt hại về tài sản trị giá ước tính trên 1.240 tỷ đồng. Không chỉ hỏa hoạn ở khu dân sinh, 1.800 ha rừng cũng bị thiêu rụi.
Năm 2015 cũng không kém hơn khi xảy ra 2.792 vụ cháy, làm 62 người chết và 264 người bị thương, mất mát trên 1.498 tỷ đồng.
Những địa điểm, khu vực xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản như nhà dân, nhà liền kề (1.290 vụ, tương đương 42,9%), trung tâm thương mại, khu công nghiệp, chung cư… Năm 2016 còn nổi lên tình hình cháy tại cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí như vũ trường, quán bar, karaoke.
Nguyên nhân hỏa hoạn hầu hết đều là nguyên nhân chủ quan như các chung cư, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, nhà mặt phố thiếu phương tiện, thiết bị báo cháy và chữa cháy, không có lối thoát thứ 2; con người thiếu kỹ năng thoát hiểm hoặc xử lý các sự cố cháy, nổ ngay từ ban đầu; do trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC chưa tốt, thiếu thiết bị PCCC.v.v…
Trong 3 vụ hỏa hoạn xảy ra ngày 9/3 thì hai vụ cháy lớn không nằm ngoài tính chủ quan nói trên: sân khấu ‘Kong: Skull Island’ cháy do vũ công múa lửa, chợ đầu mối Tân Biên cháy do xỉ hàn. Thành ngữ có câu “Chạy buồm xem gió“, nhưng trong một sự kiện quan trọng như lễ công chiếu phim ‘Kong: Skull Island‘, ban tổ chức lại cho phép đưa lửa thật lên một sân khấu được bài trí phức tạp với nhiều vật liệu dễ bắt lửa. Cháy do xỉ hàn đã có tiền lệ từ vụ cháy nghiêm trọng tại quán karoke tại Hà Nội, nhưng những người liên quan vẫn thiếu sự cẩn trọng cần thiết.
Cũng tới lúc không nên gọi hỏa hoạn là sự cố nữa. Vì sự cố thì không thể xảy ra với bình quân 8 vụ/ngày (2016) hay hơn 7 vụ/ngày (2015).
Tính riêng Cảnh sát PCCC TP.HCM, tính đến năm 2025 sẽ được dành hơn 8.000 tỷ đồng ngân sách để mua thiết bị, phương tiện, nâng quân số. Cảnh sát PCCC TP.HCM cũng đề xuất mua trực thăng chữa cháy với giá 1.000 tỷ đồng/chiếc, còn trước đó thì đã mua robot chữa cháy, thiết bị dập lửa do hóa chất…
Trang thiết bị có thể giúp dập lửa nhanh hơn, nhưng không làm thay đổi được tính chủ quan của con người. Lửa giả chẳng thể nào gây cháy sân khấu của ‘Kong: Skull Island‘ tối 9/3 nếu việc tổ chức biểu diễn đã qua kiểm duyệt và đảm bảo đúng an toàn cháy nổ theo quy định. Vụ cháy tại sân khấu ‘Kong: Skull Island‘ nói riêng và hàng nghìn vụ hỏa hoạn trong năm qua nói chung cho thấy cần có các giải pháp đảm bảo an toàn (biện pháp phát hiện cháy, hệ thống báo cháy, phương tiện cứu hộ), tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, nâng cao kiến thức … để giảm thiểu rủi ro xảy ra tới mức thấp nhất.
Điều 7, Nghị định 79/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu thì tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động biểu diễn và tổ chức biểu diễn nghệ thuật phải bảo đảm an ninh, trật tự, phòng chống cháy nổ. Nhưng ngành Văn hóa chỉ có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc chấp thuận nội dung biểu diễn nghệ thuật mà không có thẩm quyền cấp giấy phép hay phê duyệt phương án bảo đảm an ninh, an toàn trong thời gian tổ chức sự kiện. Ngoài ra, trong bộ thủ tục hồ sơ cấp phép biểu diễn nghệ thuật không có yêu cầu đơn vị tổ chức có giấy chứng nhận của các cơ quan chức năng về phương án bảo đảm an toàn khi tổ chức sự kiện. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa cháy nổ Cháy sân khấu Kong: Skull Island chảy nổ Việt Nam Nguyên nhân cháy nổ TP.HCM hỏa hoạn