Truyền thông nhà nước thời gian qua loan tin cho biết sông Cầu, một trong 5 con sông dài nhất miền Bắc Việt Nam đang ở trong tình trạng ô nhiễm nặng nề, nước sông có màu đen, hôi thối, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng chục nghìn gia đình thuộc 2 tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang sống 2 bên bờ sông.

song cau o nhiem 2
Cá chết nổi trên sông Cầu, đoạn qua huyện Việt Yên. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)

Tờ Tiền Phong dẫn lời ông Lê Văn Bốn, cán bộ địa chính và môi trường xã Thắng Cương (huyện Yên Dũng, Bắc Giang) cho biết trước kia, sông Cầu chảy qua xã nước trong lành, người trong xã vẫn dùng nước sông để tắm giặt và sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Nhưng khoảng 5 năm trước, nước sông bắt đầu bốc mùi khó chịu và màu đen kéo dài trong nhiều ngày. Hơn 2.000 người dân ở đây chịu ảnh hưởng.

Vào năm cao điểm, nước sông Cầu có khoảng 10 đợt chuyển màu, mùi hôi thối và cá chết nổi trắng trên sông.

Đáng nói, riêng với huyện Yên Dũng, có khoảng 4.000 ha đất nông nghiệp phải sử dụng nước từ sông Cầu. Đồng thời, huyện có 2 nhà máy nước sạch lấy từ nguồn nước sông Cầu để xử lý và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.

Không chỉ huyện Yên Dũng, tại xã Quang Châu thuộc huyện Việt Yên cũng có khoảng 9.000 người và hơn 200 ha đất nông nghiệp chịu ảnh hưởng vì sông Cầu bị ô nhiễm. Xã cũng có 2 nhà máy nước sạch lấy nguồn nước sông Cầu để cung cấp nước sạch cho nhiều xã trong huyện.

song cau o nhiem2
Nước sông Cầu có màu đen sẫm, bốc mùi hôi khiến người dân lao đao. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)

Theo báo cáo của Bộ TN-MT, nguyên nhân chính làm ô nhiễm nước sông Cầu là do tiếp nhận nước từ sông Ngũ Huyện Khê (bắt nguồn từ huyện Đông Anh, Hà Nội chảy qua tỉnh Bắc Ninh) bị ô nhiễm chảy vào.

Theo đó, nước sông Ngũ Huyện Khê bị ô nhiễm nặng do tiếp nhận nước thải không được xử lý của các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy làm giấy ở xã Phú Lâm, Cụm công nghiệp (CCN) Phú Lâm (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) và làng nghề tái chế giấy Phong Khê, CCN Phong Khê (phường Phong Khê, thành phố Bắc Ninh).

Theo thông tin từ Sở TN-MT tỉnh Bắc Ninh, riêng phường Phong Khê có hơn 245 cơ sở sản xuất giấy. Hiện nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đây mới xử lý được khoảng 3.000 m3/ngày đêm. Trong khi đó, tổng lượng nước thải là khoảng 10.000 m3/ngày đêm, hơn gấp 3 lần công suất nhà máy xử lý nước thải tập trung.

Còn tại CCN Phú Lâm, lượng nước thải hơn 4.000 m3/ngày đêm nhưng khu xử lý nước thải tập trung chưa hoạt động. Đây chỉ là 2 trường hợp đơn cử trong nhiều nguồn thải khác mà sông Cầu đang phải hứng chịu.

Trước tình trạng ô nhiễm trầm trọng, hồi tháng 9/2020, trong cuộc làm việc giữa 3 bên (Bộ TN-MT, tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang) tìm cách cứu sông Cầu, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) khẳng định: “Việc bảo vệ môi trường sông Cầu là trách nhiệm của tất cả các địa phương thuộc phạm vi lưu vực sông Cầu”.

Thế nhưng, từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2/2021, nước xả từ sông Ngũ Huyện Khê (Bắc Ninh) ra sông Cầu vẫn luôn có màu đen sẫm, ô nhiễm nặng nề đặc biệt ở điểm thải mới từ Trạm bơm Vạn An, TP. Bắc Ninh, khiến dư luận cho rằng ô nhiễm xảy ra tại sông Cầu một phần do sự “tắc trách của các cơ quan quản lý”.

nuoc thai khu tram bom van an hom 8 2
Nước xả thải tại khu vực gần Trạm bơm Vạn An (Bắc Ninh) ngày 8/2. (Ảnh: baobacgiang.com.vn)

Theo tờ Lao Động, hồi tháng 1, hai bên bờ sông Ngũ Huyện Khê, nhiều ống nước thải từ làng nghề giấy Phong Khê và CCN vẫn xả trực tiếp xuống dòng sông. Dòng nước thải tuôn chảy sủi bọt trắng xóa, bốc mùi nồng nặc tanh tưởi, quánh sình lầy, rác thải.

Đáng chú ý, tờ Tiền Phong cho biết trước tình trạng nhiều cơ sở sản xuất giấy ở xã Phú Lâm và phường Phong Khê vẫn xả thải ra sông, đại diện Sở TN&MT tỉnh Bắc Ninh cho hay: “Khi chúng tôi đi kiểm tra, nhiều cơ sở sản xuất đóng cửa, ngừng xả thải nên cũng khó bắt được tại chỗ để có thể kịp thời xử lý vi phạm”.

Mới đây, hôm 2/2 và 5/2, giới chức Bắc Giang phải có công văn yêu cầu phía Bắc Ninh giải quyết dứt điểm tình trạng xả thải gây ô nhiễm nước sông Cầu.

Ngoài ra, Bộ TN-MT cũng vừa có văn bản yêu cầu Bắc Ninh dừng việc xả nước thải từ sông Ngũ Huyện Khê ra sông Cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nguồn nước dòng sông này, theo tờ Thanh Niên.

Hồi tháng 12/2020, Sở TN-MT Bắc Giang lấy một số mẫu nước mặt, đoạn chảy qua hai xã Quang Châu, Vân Trung, huyện Việt Yên, kết quả cho thấy các mẫu đều có thông số vượt ngưỡng cho phép.

Cụ thể, mẫu 1 lấy nước mặt sông Cầu tại chân cầu Đáp Cầu cũ về phía Bắc tỉnh Bắc Giang, có kết quả quan trắc các thông số BOD5, COD, Coliform Amoni vượt từ gần 1,3 đến hơn 11,58 lần.

Kết quả quan trắc mẫu 2 lấy nước mặt sông Cầu cách cầu Đáp Cầu cũ 300 m hướng về phía tỉnh Bắc Giang cho thấy, các thông số BOD5, COD, Amoni vượt từ 1,73 đến 7,38 lần so với quy chuẩn.

Qua phân tích mẫu 3 lấy nước mặt sông Cầu tại chân cầu Đáp Cầu cũ hướng về phía tỉnh Bắc Ninh cho thấy thông số BOD5, COD, Amoni vượt từ 1,13 đến 9,42 lần ngưỡng cho phép….

Hoàng Minh (t/h)

Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam tiếp tục gia tăng nhanh