Chùm ca nhiễm biến thể Omicron tại TP.HCM: Tốc độ lây nhanh, nhiễm virus sau khi tiêm 2-3 mũi
- Nguyễn Quân
- •
Nữ hành khách từ Mỹ về Việt Nam có liên quan với 3 ca cộng đồng nhiễm biến thể Omicron vừa được xác định là nhiễm biến thể Omicron (BA.1). Đại diện Sở Y tế TP.HCM công bố chùm ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng tại TP.HCM được xác định có nguồn lây từ ca nhập cảnh.
- Việt Nam ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên tại TP.HCM
- TP.HCM khẩn tìm người trên 2 chuyến bay có người nhiễm biến thể Omicron
Thông tin trên do báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết vào sáng 24/1 – năm ngày sau khi 3 ca nhiễm biến thể Omicron cộng đồng đầu tiên tại TP.HCM được công bố từ Bệnh viện 30/4 (Bộ Công an).
Theo bản tin trên, bệnh nhân nhập cảnh vừa được xác định nhiễm biến chủng Omicron là chị N.T.N.P. (SN 1981, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ tại phường 17, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Kết quả giải mã trình tự gene đối với mẫu bệnh phẩm của chị P. do phòng xét nghiệm Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM xác định.
Ngoài 3 ca mắc Omicron trong cộng đồng được công bố ngày 19/1, có thêm 2 ca cộng đồng nhiễm biến thể này. Tất cả đều có mối liên hệ với nữ bệnh nhân nhập cảnh nói trên.
Hai ca mới xác định gồm một người nam, sinh năm 1997 (ngụ phường 17, quận Bình Thạnh), là em họ của bệnh nhân sống tại khu chung cư ở quận 11. Người này đã tiêm 2 mũi vắc-xin, từ ngày 28/12/2021 được giới thiệu làm bảo vệ tại nhà của nữ bệnh nhân nhập cảnh tại quận Bình Thạnh.
Trường hợp thứ hai là nam, sinh năm 1993, là bác sĩ khoa cấp cứu của 1 bệnh viện lớn tại TP.HCM. Bệnh nhân này sống cùng nhà với bệnh nhân ở khu chung cư ở quận 11, đã tiêm 3 liều vắc-xin.
Cùng trong sáng 24/1, các báo Thanh Niên, Vnexpress xác nhận tin về 2 ca cộng đồng nhiễm biến thể Omicron nói trên.
Với việc nữ bệnh nhân nhập cảnh được xác định nhiễm biến thể Omicron, một đại diện Sở Y tế TP.HCM (không nêu danh tính) cho rằng: “Đây là tín hiệu lạc quan bởi giúp xác định được nguồn lây các ca cộng đồng, nếu không sẽ rất khó khăn để điều tra truy vết”, theo Tuổi Trẻ.
“Ủ bệnh” nên ca nhiễm không được phát hiện qua xét nghiệm?
Theo thông tin dịch tễ, chị P. đã tiêm 3 mũi vắc-xin COVID-19, được xét nghiệm PCR tại Mỹ vào ngày 4/1, kết quả âm tính, ngày 5/1 bay về Việt Nam, nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh trên chuyến bay BN5409 ngày 7/1 và được cách ly tại khách sạn ở Nha Trang. Quá trình cách ly tại đây, chị P. ở một phòng riêng, ngày 9/1 xét nghiệm PCR kết quả âm tính.
Ngày 10/1, chị P. bay chuyến VN1345 từ Nha Trang đến TP.HCM lúc 16h30 và được 3 người thân tên K. (nam, SN 1987, địa chỉ Bình Hưng, huyện Bình Chánh), H. (nữ, SN 1976, ngụ quận Gò Vấp) và T. (nữ, SN 1991, ngụ quận quận 11) đón tại sân bay. Sau đó nhóm 3 người gồm chị P., anh K. và chị H. cùng đi ăn tại nhà hàng rồi về.
Tối 13/1, chị P. bị ho khan, rát họng nhẹ. Ngày 14/1, ba người gồm anh K., chị H. và chị T. có triệu chứng, đi khám và được lấy mẫu gửi Bệnh viện 30/4, sau đó được xác định cùng nhiễm biến thể Omicron.
Ngày 19/1, 3 người tại TP.HCM được xác định nhiễm biến thể Omicron, chị P. cùng hai trường hợp khác đang chờ kết quả giải trình tự gene.
Theo đó, thời gian từ khi chị P. có kết quả xét nghiệm âm tính (tại Mỹ, ngày 4/1) đến khi phát triệu chứng (tối 13/1) là 9 ngày. Ba người bạn nhiễm bệnh sau khi đi đón chị P. tại sân bay và đi ăn chung vào ngày 10/1, 4 ngày sau phát triệu chứng (ngày 14/1). Hai ca vừa mới được công bố tiếp xúc gián tiếp – nằm trong nhóm 11 F1, hiện được xác định nhiễm virus qua xét nghiệm truy vết.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói: “Omicron có thể ủ bệnh ngắn, dễ lây… nhưng nó không thể xuyên qua khẩu trang và không thể sống sót sau khi chúng ta rửa tay”, do đó ông Châu khuyến cáo “5K là giải pháp ứng biến với mọi biến chủng”, theo Vnexpress sáng 24/1.
Ngày 4/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở Châu Âu cảnh báo các trường hợp nhiễm biến thể Omicron tăng vọt trên toàn cầu có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện một biến thể mới hơn, nguy hiểm hơn. Bà Catherine Smallwood, chuyên viên cao cấp về vấn đề khẩn cấp của WHO tại châu Âu cho biết: “Biến thể Omicron càng lan rộng, càng truyền nhiều và càng tái tạo thì càng có nhiều khả năng tạo ra một biến thể mới. Hiện tại, Omicron có thể không nguy hiểm hơn Delta, nhưng không ai biết trước được tác hại của các biến thể tiếp theo”.
Hạ tuần tháng 12/2021, WHO cho hay vẫn chưa có đủ dữ liệu về biến thể mới của virus corona để xác định liệu biến thể này có nghiêm trọng hơn biến thể Delta hay không. Trong khi đó, một nghiên cứu của Nam Phi được công bố hôm 22/12 cho thấy những người bị nhiễm biến thể Omicron ít có khả năng phải nhập viện hơn những người bị nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, các tác giả nghiên cứu nhận định, một phần nào đó có thể là do mức độ miễn dịch cao trong dân số.
Một nghiên cứu đối với nhóm bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại hệ thống chăm sóc sức khỏe Houston Methodist – được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Giám lý Houston, Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne của Đại học Chicago và các địa điểm khác – cho hay bệnh nhân nhiễm biến thể mới “ít có khả năng phải nhập viện hơn” và triệu chứng nhìn chung cũng ít nghiêm trọng hơn. Đáng lưu ý, gần một nửa bệnh nhân nhiễm Omicron tại các bệnh viện ở Houston đã tiêm chủng, trong đó, gần 9,9% bệnh nhân đã tiêm mũi vắc-xin COVID tăng cường.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng Biến thể Omicron