Biến chủng Omicron có thể tạo ra siêu miễn dịch?
- Phan Anh
- •
Trong bối cảnh hiện nay, các loại vắc-xin COVID-19 cũng như việc từng nhiễm bệnh trước đó không tạo ra hệ miễn dịch bảo vệ con người lâu dài trước nguy cơ mắc virus corona. Điều này đồng nghĩa với việc mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng ngày càng trở nên xa vời. Dẫu vậy, với sự xuất hiện của Omicron, các nhà khoa học cho rằng chủng này sẽ giúp phần lớn người dân trên thế giới có khả năng “siêu miễn dịch (superimmunity)”, qua đó bảo vệ tốt hơn trước những biến thể mới hay với các chủng virus corona khác trong tương lai. Siêu miễn dịch không chắc loại bỏ được hoàn toàn nguy cơ nhiễm bệnh, nhưng có thể giúp người mắc chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng, nhờ vậy mà cuộc sống có thể trở lại bình thường.
Trước tiên, hãy cùng tìm hiểu cách thức hoạt động của hệ miễn dịch. Trong cơ thể con người tồn tại 2 loại tế bào bạch cầu là tế bào T và tế bào B, có nhiệm vụ truy tìm và tiêu diệt các mầm bệnh ngoại lai xâm nhập.
Tế bào T giống như lính gác giúp lưu thông trong mạch máu và hạch bạch huyết. Khi phát hiện virus xâm nhập, một loại tế bào T sẽ tiêu diệt chúng. Một loại khác là tế bào T gửi tín hiệu cho tế bào B, kích hoạt quá trình sản sinh và tiết ra kháng thể giúp vô hiệu hóa mầm bệnh.
Sau khi virus bị tiêu diệt, đội quân bạch cầu và kháng thể cũng tự biến mất. Tuy nhiên, một số tế bào bạch cầu có thể ghi nhớ lâu dài virus và tự cải thiện khả năng đề kháng, đó là tế bào T ghi nhớ. Nó xuất hiện trong tủy xương, hạch bạch huyết và các mô khác. Nếu virus lại xâm nhập, tế bào T ghi nhớ sẽ nhanh chóng kích hoạt toàn bộ hệ miễn dịch tấn công và tiêu diệt mầm bệnh.
Trong khi đó, tế bào ghi nhớ B tập trung ở hạch bạch huyết. Lần mắc bệnh đầu tiên giúp tế bào B ghi nhớ và sau đó tạo ra những kháng thể có khả năng ngăn chặn những biến thể mới. Khi virus quay trở lại, tế bào B có thể sản xuất ra kháng thể nhanh hơn và mạnh hơn.
Các loại vắc-xin mô phỏng tình trạng lây nhiễm tự nhiên, huấn luyện hệ miễn dịch bằng cách đưa virus suy yếu hoặc kháng nguyên vào cơ thể. Với COVID-19, gai protein trên bề mặt virus, bộ phận giúp virus bám dính vào tế bào người, sẽ được sử dụng.
Kháng thể sinh ra sau tiêm vắc-xin có xu hướng suy giảm nhanh hơn so với lây nhiễm tự nhiên, có thể bởi các hạt virus thực sự tồn tại trong cơ thể lâu hơn so với kháng nguyên.
Việc kết hợp tiêm chủng và lây nhiễm tự nhiên giúp huấn luyện hệ miễn dịch để nó có thể phản ứng mạnh hơn, nhanh hơn và chính xác hơn cho lần lây nhiễm tiếp theo.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng hệ miễn dịch của người từng nhiễm virus corona, sau đó tiêm vắc-xin COVID-19, sẽ tạo ra nhiều kháng thể hơn và tồn tại lâu hơn người chỉ tiêm chủng.
Nghiên cứu của Đại học Y khoa Oregon đăng tải tháng 12/2021 chỉ ra rằng người đã tiêm vắc-xin, sau đó nhiễm COVID-19, có nồng độ kháng thể cao hơn tới 1.000 lần so với người tiêm đủ 2 mũi vắc-xin Pfizer. Theo các nhà khoa học, đây gọi là hiện tượng “siêu miễn dịch”.
“Siêu miễn dịch không đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ chấm dứt đại dịch nhưng đã có con đường giúp thoát khỏi dịch bệnh. Nếu đã tiêm vắc-xin, và sau đó nhiễm virus, con người sẽ được bảo vệ đáng kể trước các chủng virus khác trong tương lai”, tiến sĩ Marcel Curlin, tác giả nghiên cứu của Đại học Oregon, nhận định.
Một nghiên cứu của Nam Phi cho thấy rằng người nhiễm Omicron sản sinh ra kháng thể vô hiệu hóa Delta hiệu quả cao gấp 4 lần.
Ngoài ra, liều vắc-xin bổ sung cũng giúp cải thiện phản ứng miễn dịch nhờ kéo dài thời gian tế bào B tìm hiểu mầm bệnh. Bên cạnh đó, việc lây nhiễm tự nhiên còn củng cố khả năng của tế bào T, giúp chúng nhận ra những protein khác của virus chứ không chỉ gai protein. Hơn nữa, tế bào T trên người tiêm đã vắc-xin có khả năng phản ứng hiệu quả với Omicron ở mức 70 – 80%, qua đó giúp làm giảm nguy cơ người mắc COVID-19 trở nặng hoặc tử vong.
Đồng thời, tế bào T trên người từng nhiễm SARS 17 năm trước cũng nhận ra một phần virus corona gây bệnh COVID-19. Một nghiên cứu của Đại học Imperial College London cho thấy rằng người từng mắc cảm lạnh do virus corona có nguy cơ nhiễm COVID-19 thấp hơn.
Khi mà chủng Omicron đang lan rộng, người đã tiêm vắc-xin hoặc từng nhiễm COVID-19 sẽ có khả năng “siêu miễn dịch” nếu tái nhiễm. Nhờ đó, COVID-19 có thể trở thành một loại virus gây ra căn bệnh thông thường như cúm, tuy phiền phức nhưng không đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng.
Theo WSJ,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện miễn dịch cộng đồng Biến thể Omicron