‘Còn tồn tại nhà nước là còn tham nhũng’
- Trần Tâm
- •
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhận định cần xác định phòng chống tham nhũng là việc làm thường xuyên, liên tục vì còn tồn tại nhà nước là còn tham nhũng.
Hôm nay (10/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi).
Về hai phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được rõ nguồn gốc sẽ do tòa án xem xét hoặc thu thuế thu nhập cá nhân, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng ý với phương án tố tụng tại tòa.
Theo ông Phúc, phương án trên sẽ được nhiều người đồng ý vì đã là tài sản tham nhũng thì cần phải thu hồi toàn bộ. Tuy nhiên, ông Phúc cũng nghi ngại cơ quan kiểm soát tài sản cán bộ khó có khả năng xử lý hết được vì trước mỗi kỳ đại hội, mỗi lần bầu cử, đơn thư, tố cáo về vấn đề tài sản của cán bộ tăng rất cao. Nếu quy định này đưa ra, khả năng lượng đơn thư còn tăng hơn nữa.
Cùng ý kiến với ông Phúc, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban dân vận yêu cầu Chánh án TAND tối cao nói thêm về tính khả thi nếu chọn phương án này đưa vào luật. Đại biểu muốn biết một vụ kiện yêu cầu xử lý tài sản bất minh của cán bộ cần qua những thủ tục, quy trình như nào, mất bao lâu để giải quyết,…
Với ý kiến ngược lại, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý phương án thu thuế.
Ông Hiển phân tích cần xác định phòng chống tham nhũng là việc làm thường xuyên, liên tục vì còn tồn tại nhà nước là còn tham nhũng. Hiện đã có rất nhiều luật phòng ngừa tham nhũng như luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, luật phòng chống rửa tiền,…
Do đó, ông Hiển nhận định cần nhiều chế tài để chống tham nhũng mà việc kiểm soát dòng tiền, hạn chế dùng tiền mặt trong tiêu dùng mới là biện pháp căn cơ trong kiểm soát tài sản, thu nhập cán bộ.
Ông Hiển cho rằng luật hiện hành quy định những khoản thu nhập không thường xuyên bị áp thuế cao nhất là 35%, nếu không kê khai còn phải chịu phạt 1-3 lần. Nếu áp dụng các quy định ở mức tối đa thì hoàn toàn có thể thu hồi gần như 100% tài sản đó, vẫn đáp ứng nguyên tắc, tài sản đã xác định là hình thành do tham nhũng thì phải thu hồi.
“Cứ làm nghiêm như vậy thì đã đạt mục tiêu rồi, việc gì phải phức tạp xây dựng quy định xử lý thông qua tố tụng, hành chính, đưa sang tòa, sang VKS” – ông Hiển khẳng định.
Cũng tại buổi họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay thực tế thời gian qua có nhiều cán bộ có tài sản rất lớn mà không giải trình được nguồn gốc, nhà nước cũng không có cơ sở pháp lý nào để xử lý. Về phía dư luận, người dân chỉ cần biết tài sản tham nhũng đó đã thu hồi được chưa, cuộc tiếp xúc cử tri nào cũng hỏi vấn đề đó.
Bà Ngân cho rằng cả 2 phương án trong dự thảo luật đều có ưu, khuyết điểm nên UB Thường vụ Quốc hội thống nhất báo cáo cả 2 phương án để Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
Trước đó phiên họp ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra 2 phương án về việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được rõ nguồn gốc, gồm:
Phương án thứ nhất: Do tòa án xem xét, quyết định.
Về phương án này, trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm không có giải trình hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý.
Tòa án có thể bác yêu cầu của cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai giải trình được hợp lý về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Tòa cũng có quyền thu hồi tài sản, thu nhập trong trường hợp người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục tòa án.
Phương án thứ hai: Cơ quan kiểm soát có trách nhiệm chuyển vụ việc sang cơ quan quản lý thuế yêu cầu thu thuế thu nhập cá nhân theo quy định.
Việc thu thuế không loại trừ việc xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản đối với người kê khai.
Liên quan dự thảo luật này, Quốc hội khóa XIV đã cho ý kiến tại hai kỳ họp thứ 4, 5, dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp tới vào tháng 10.
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa thu thuế tài sản cá nhân Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân luật Phòng chống tham nhũng