Công an TP.HCM khẳng định thu thập mống mắt không gây hại cho mắt
Công an TP.HCM khẳng định việc thu thập mống mắt bằng thiết bị chuyên dụng đặc biệt, được cơ quan y tế kiểm nghiệm nên không có nguy hại hay ảnh hưởng nào đến mắt.
- Hơn 80 triệu căn cước có phải làm lại khi áp dụng Luật Căn cước mới?
- Luật Căn cước có hiệu lực, Bộ Công an sẽ cấp 15 triệu thẻ trong năm đầu tiên
Ngày 23/8, Công an TP.HCM tổ chức đối thoại với người dân, doanh nghiệp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2024. Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó giám đốc Công an TP.HCM chủ trì buổi đối thoại.
Dữ liệu khuôn mặt, mống mắt… hỗ trợ kiểm soát từ giao dịch điện tử đến đi lại
Bà Lê Thị Bạch Tuyết (ngụ TP.Thủ Đức) về việc khi Luật Căn cước năm 2023 có hiệu lực kể từ ngày 1/7 thì các trường hợp mất thẻ CCCD có cần trực tiếp đến cơ quan công an làm thủ tục cấp lại hay không và đối tượng được cấp thẻ căn cước.
Trả lời câu hỏi, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM giải đáp theo Luật Căn cước năm 2023, công dân từ 14 tuổi trở lên được cấp thẻ căn cước; trẻ dưới 14 tuổi cũng được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu. Luật quy định chỉ cần khai báo nơi cư trú thì sẽ được cấp thẻ căn cước.
Ông Hải dẫn Điều 15 Luật Căn cước năm 2023, rằng ngoài những thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước còn có thông tin về nhân dạng, thông tin về sinh trắc học. Trong đó, thông tin về sinh trắc học gồm: ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói (ba thông tin sinh trắc học: mống mắt, ADN, giọng nói được bổ sung so với Luật Căn cước công dân năm 2014).
Theo Thượng tá Hải, dữ liệu về mống mắt có tính chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trên thế giới và Việt Nam hiện nay khi các giao dịch điện tử được mở rộng, là lĩnh vực chủ yếu cho các thiết bị thông minh như (di động, app điện tử).
Kết hợp với các yếu tố sinh trắc như khuôn mặt (đảm bảo xác thực 2 yếu tố) sinh trắc là cơ sở triển khai hiệu quả Luật Giao dịch điện tử (với các thiết bị di động hiện nay rất ít được trang bị module về đọc, xác thực vân tay). Từ đó, ông Hải khẳng định việc thu thập thông tin sinh trắc bắt buộc là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Đại diện PC06 Công an TP.HCM cho rằng với thông tin sinh trắc được thu thập, sẽ giúp người dân tiện lợi trong việc thanh toán, di chuyển qua các cửa kiểm soát của máy bay, ga tàu. Đối với người Việt vì nhiều nguyên nhân nhưng chưa xác định được quốc tịch, không có giấy tờ thì Luật Căn cước năm 2023 giúp hỗ trợ cấp giấy chứng nhận căn cước để sử dụng đi học hành, đồng thời thuận tiện cho cơ quan chức năng quản lý hành chính.
Công an TP.HCM: Thu thận mống mắt không nguy hại cho mắt, trẻ em cũng cần làm
Ông Lê Thành Quang Khôi (ngụ huyện Củ Chi) hỏi muốn biết việc thu thập mống mắt có nguy hại cho mắt hay không. Thượng tá Hải khẳng định việc thu nhận mống mắt không gây nguy hại hay ảnh hưởng đến mắt.
“Việc thu thập mống mắt sẽ được cơ quan quản lý căn cước thu nhận bằng thiết bị chuyên dụng đặc biệt nên không có nguy hại hoặc ảnh hưởng nào đến mắt của công dân. TPHCM đã thu nhận mống mắt hơn 200.000 người”, ông Hải cho hay.
Bà Nguyễn Thị Mai Duyên (ngụ quận 11) đặt câu hỏi có thực sự cần thiết khi cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi hay không, vì các cháu trong độ tuổi này không thường xuyên phải làm các giao dịch, thủ tục hành chính?
Thượng tá Hải cho biết công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước; người dưới 14 tuổi thì không bắt buộc, nhưng khuyến khích làm thẻ. Do thẻ căn cước có tích hợp rất nhiều thông tin nên thuận lợi cho trẻ em trong quá trình đi học, di chuyển bằng tàu, xe hoặc khám, chữa bệnh.
“Công dân là trẻ em dưới 14 tuổi có thể sử dụng thẻ căn cước (hoặc sử dụng thông qua bố, mẹ, người giám hộ) trong rất nhiều dịch vụ, tiện ích như tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại… Việc quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện theo nhu cầu của công dân hoặc theo đề nghị của cha, mẹ, người giám hộ”, ông Hải nói.
Theo đó, thông tin về thu thập mống mắt khi người dân đi làm căn cước không được đại diện cơ quan công an công bố.
Theo bản tin trên Truyền hình Công an nhân dân hồi tháng 5/2024, Bộ Công an đã lựa chọn thiết bị chuyên dụng công nghệ cao của nước ngoài để thu thập mống mắt, và các đơn vị chức năng của Bộ Công an nghiên cứu, tiến hành thử nghiệm nhiều lần đối với sản phẩm và trên các trường hợp khác nhau.
Cùng với ảnh khuôn mặt và vân tay, dữ liệu về mống mắt sẽ được lưu trữ trong chip được gắn trên thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học mống mắt được dùng làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân.
Ngoài 3 thông tin sinh trắc học trên, Luật Căn cước năm 2023 cũng quy định thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập, khi người dân tự nguyện cung cấp.
Từ khóa thông tin sinh trắc học Mống mắt Luật Căn cước