Từ 1/7, Việt Nam bắt đầu thu thập mống mắt, ADN của người dân
- Nguyễn Quân
- •
Bước đầu, mống mắt sẽ được thu thập khi người dân cần cấp mới, hoặc cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước. ADN, giọng nói sẽ được thu nhận theo hình thức tự nguyện, hoặc thu thập gián tiếp qua cơ quan tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
- Luật Căn cước có hiệu lực, Bộ Công an sẽ cấp 15 triệu thẻ trong năm đầu tiên
- Bộ Công an tính giải pháp đưa ADN, giọng nói, mống mắt vào dữ liệu căn cước
Ngày 8/5, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) công bố thông tin về việc chuẩn bị thu nhận mống mắt, ADN, giọng nói của người dân. Việc này được áp dụng theo Luật Căn cước được Quốc hội thông qua vào ngày 27/11/2023, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024.
Điểm b khoản 1, Điều 23 Luật Căn cước quy định: “Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước” – đại diện Cục C06 nêu.
Theo đó, từ ngày 1/7 tới, cơ quan công an sẽ thu nhận mống mắt của người dân khi họ đăng ký cấp mới, hoặc cấp lại, cấp đổi thẻ căn cước, tức người dân sẽ phải bắt buộc cung cấp, bên cạnh việc chụp ảnh và lấy vân tay.
Đối với việc thu nhận ADN, giọng nói, mặc dù đại diện Cục C06 nhấn mạnh vào yếu tố tự nguyện của người dân, song có phương thức thu nhận thứ hai từ cơ quan tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.
Điểm d khoản 1, Điều 16 Luật Căn cước quy định: “Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.”
Như vậy, cơ quan quản lý căn cước sẽ thu thập thông tin ADN, giọng nói khi người dân tự nguyện cung cấp trong quá trình người dân thực hiện thu nhận hồ sơ căn cước, hoặc sẽ do cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính chuyển thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân cho cơ quan quản lý căn cước.
Theo Điều 23 Luật Căn cước, cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 6 tuổi.
Quản lý dữ liệu của người dân
Đại diện Cục C06 cho hay việc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ với những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (trong các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng…).
Cơ quan trực thuộc Bộ Công an khẳng định dữ liệu về mống mắt có khả năng chính xác cao, rất phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay (thanh toán điện tử, khai báo danh tính khi đi máy bay, ga tàu…).
“Dữ liệu về mống mắt sử dụng cho các thiết bị thông minh được trang bị camera, tránh những trường hợp giả mạo khuôn mặt để thực hiện xác thực cho các giao dịch điện tử”, Cục C06 tuyên bố.
Thông tin sinh trắc học mống mắt còn giúp cơ quan chức năng quản lý cơ sở dữ liệu của người dân.
Ngày 6/2/2024, tại hội thảo quốc gia với chủ đề đánh giá các giải pháp khoa học, công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt phục vụ triển khai Luật Căn cước do C06 tổ chức, Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc – Thứ trưởng Bộ Công an cho biết các nước trên thế giới có thể tạm thời phân ra làm 3 nhóm: nhóm nước đã đưa ra triển khai nhưng không thành công; nhóm nước triển khai nhưng hiệu quả chưa cao do sự nghi ngờ, ái ngại của người dân, người dân chưa ủng hộ, đồng thuận và nhóm nước đã triển khai rất thành công khi người dân hưởng ứng tham gia rất đông đảo và háo hức một cách tự nhiên.
Ông Ngọc nói việc áp dụng công nghệ sinh trắc học ADN, giọng nói, mống mắt “không chỉ phục vụ lợi ích của cá nhân người dân” mà còn “phục vụ sự phát triển của cả quốc gia, đất nước, đem lại giá trị lớn lao cho xã hội”.
Bộ Công an từng tuyên bố việc cập nhập mống mắt của người dân vào cơ sở dữ liệu căn cước sẽ được thực hiện dựa trên các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế ở mức bảo mật, mã hóa cao nhất về an toàn thông tin và khẳng định hoàn toàn không bị lộ, lọt dữ liệu.
Từ khóa giọng nói Dòng sự kiện ADN Mống mắt Luật Căn cước