Công đoàn Y tế đề nghị tăng lương khởi điểm của bác sĩ
- Khánh Vy
- •
Nghề bác sĩ yêu cầu thời gian học dài, để có chứng chỉ hành nghề phải mất tới 7, 8 năm trong khi lương khởi điểm và phụ cấp lại thấp.
- Thứ trưởng Bộ Y tế: Công văn đề nghị xử lý y bác sĩ bỏ việc chỉ là khuyến cáo
- Bộ Y tế Việt Nam ngăn y bác sĩ bỏ việc
- Đồng Nai rối bời trong ‘cơn bão’ y bác sĩ nghỉ việc
Ngày 2/12, tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, PGS.TS Phạm Thanh Bình – Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam đề xuất giải pháp tăng lương, phụ cấp đối với cán bộ, nhân viên y tế.
Theo bà Bình, ngành y đặc thù với trình độ và chất lượng lao động cao, để có chứng chỉ hành nghề và được đi làm tại các cơ sở y tế, một bác sĩ phải mất 7,5 năm. Trong đó có 6 năm học đại học và 18 tháng thực hành sau khi tốt nghiệp, trong khi cử nhân chỉ học 4 năm. Tuy nhiên khi ra trường, tiền lương ngạch, bậc, các chế độ phụ cấp hưởng như nhau.
Do đó, chủ tịch Công đoàn Y tế đề nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Cần có cơ chế chi lương phù hợp, áp dụng cơ chế tiền lương doanh nghiệp đối với đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2).
Về phụ cấp trực, bà Bình nêu rõ mức phụ cấp của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập theo quyết định 73/2011 quá thấp, không còn phù hợp. Ví dụ, trực ngày thường là 18.750 đồng/ngày (trực 16/24h), 25.000 đồng/ngày (trực 24/24h) theo mức lương cơ sở thời điểm 2011, tức 830.000 đồng.
Bà Bình đề xuất Chính phủ có thể xem xét nâng phụ cấp trực theo mức lương tại nghị định 24/2023 quy định lương cơ sở từ 1/7/2023 là 1,8 triệu đồng.
Về phụ cấp ưu đãi nghề, bà dẫn chứng Chính phủ đã có nghị định 05/2023 về chế độ với công chức, viên chức tại cơ sở y tế công lập, theo đó phụ cấp 100% áp dụng với viên chức thường xuyên, trực tiếp làm chuyên môn y tế dự phòng.
Tuy nhiên, nghị định này chỉ áp dụng từ 1/1/2022 đến hết 31/12/2023.
“Đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời hạn nghị định trên và mở rộng đối với đối tượng y tế cơ sở hưởng phụ cấp. Các chế độ phụ cấp trực và ưu đãi nghề, thâm niên nghề cần được quy đổi để tính vào mức lương mới sẽ áp dụng từ 1/7/2024 đối với ngành y tế”, bà Bình đề xuất.
Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề xuất cần có chế độ thu hút đối với các ngành nghề đặc thù. Đơn cử các ngành phong, lao, tâm thần, HIV/AIDS, hồi sức cấp cứu, giải phẫu bệnh… là những công việc có yếu tố nguy hiểm nhưng hiện nay chưa có cơ chế phù hợp trong thu hút đào tạo, sử dụng và đãi ngộ lực lượng lao động này.
Mỗi năm có trên 1 triệu trẻ em ra đời, tỉ lệ người cao tuổi trong xã hội ngày càng tăng cao, cộng thêm nhiều bệnh và dịch bệnh mới xuất hiện… Theo Tổ chức Y tế thế giới quy định 1 bác sĩ cần có 4 điều dưỡng hỗ trợ, tại Việt Nam tỉ lệ này là 1 bác sĩ/1,4 điều dưỡng, do đó, bà Bình đề nghị Nhà nước xem xét quy định giảm biên chế hằng năm đối với ngành y tế.
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa Công đoàn Y tế Việt Nam tăng lương y bác sĩ tăng lương y bác sĩ bỏ việc