Thứ trưởng Bộ Y tế: Công văn đề nghị xử lý y bác sĩ bỏ việc chỉ là khuyến cáo
- Nguyễn Sơn
- •
Năm ngày sau khi Bộ Y tế ban hành Công văn số 7330/BYT-KCB, Thứ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Trường Sơn – người đứng tên ký văn bản cho hay nội dung đề nghị xử lý hành chính và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các y bác sĩ tự ý bỏ việc chỉ là một phần của văn bản và là để khuyến cáo.
Tại buổi họp báo về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tại TP.HCM chiều 9/9, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết tình hình dịch ở TP.HCM còn diễn biến phức tạp, khó lường.
Theo công bố của Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 8/9, có 273.674 trường hợp mắc bệnh được phát hiện tại TP.HCM, gồm 273.213 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 461 trường hợp nhập cảnh.
Hiện TP.HCM đang điều trị 40.304 bệnh nhân, trong đó có 2.727 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.793 bệnh nhân nặng đang thở máy và 23 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 8/9 có 3.116 bệnh nhân xuất viện (cộng dồn từ ngày 1/1/2021 là 140.324 người); thêm 203 ca tử vong trong ngày (nâng tổng số trường hợp tử vong cộng dồn từ ngày 1/1/2021 đến nay là 11.409 người).
Đối với lực lượng y bác sĩ, Thứ trưởng Sơn cho hay có gần 20.000 cán bộ, nhân viên y tế của TP và khoảng 6.700 y bác sĩ từ hệ thống y tế của trung ương, sở y tế địa phương và hệ thống y tế tư nhân hỗ trợ tham gia điều trị, phòng ngừa dịch trong hơn 100 ngày qua. Ông Sơn khẳng định chưa có kế hoạch rút lực lượng đang hỗ trợ khỏi TP.HCM.
Về Công văn số 7330 với thông báo đề nghị xử lý hành chính và thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với các y bác sĩ tự ý bỏ việc, ông Sơn nhắc lại nội dung công văn, cho rằng đây là một phần trong 3 nội dung của văn bản.
Ông Sơn cho hay trong văn bản, thứ nhất, Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu cơ sở y tế bố trí nhân lực đảm bảo đủ cho công tác khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân COVID-19 và các bệnh nhân khác. Đây là trách nhiệm của ngành y tế, trong thời điểm hiện nay không thể bỏ rơi các bệnh nhân COVID-19, không tiếp nhận thu dung điều trị, không thu dung các bệnh nhân chuyển biến nặng.
Thứ hai, Bộ yêu cầu các Sở Y tế tuyên truyền nâng cao ý thức về trách nhiệm nghề nghiệp của các y bác sĩ, khuyến khích bằng hình thức khen thưởng cho các y bác sĩ khi hoàn thành tốt nhiệm vụ và có chế độ phù hợp.
Thứ ba, trong thời gian qua, trước tình hình dịch bệnh phức tạp khó lường, trường hợp tử vong nhiều, trong thời gian đầu một số bác sĩ không chịu được sức ép tâm lý đã tự ý bỏ việc.
(Về điều này, tại công văn 7330, Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế chấn chỉnh việc quản lý người hành nghề tại các cơ sở khám chữa bệnh, tổng hợp các trường hợp tự ý bỏ việc hoặc vi phạm các quy định về đạo đức hành nghề gửi về Bộ Y tế để tổng hợp, xem xét có hình thức kỷ luật hành chính hoặc tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề đối với các trường hợp vi phạm).
Ông Sơn cho hay công văn này Bộ Y tế không đưa ra các hình thức kỷ luật, mà chỉ khuyến cáo, “để mong muốn đồng nghiệp hãy cùng nhau chung sức”. “Còn vấn đề kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính chúng tôi nghĩ đây không phải vấn đề đặt nặng của công văn này”, ông Sơn nói.
‘Chế độ chính sách đã thông qua nhưng việc triển khai còn chậm’
Trước câu hỏi của báo giới về việc chăm lo cho lực lượng y tế tuyến đầu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói Bộ Y tế luôn hợp tác, phối hợp với TP.HCM để hỗ trợ lực lượng y tế về điều kiện sinh hoạt.
Với những trường hợp đơn lẻ đang gặp khó khăn, Bộ Y tế đã cho một bộ phận đến kiểm tra cùng TP, qua đó theo dõi, xử lý, đề ra những biện pháp giải quyết cho lực lượng y tế. “Bộ Y tế luôn cố gắng hài hoà mọi quyền lợi của anh em để đạt được mục tiêu thiêng liêng là vượt qua đại dịch”, ông Sơn khẳng định.
Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo TP.HCM nói TP xem đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế là những chiến sĩ kiên cường, phải được tri ân và tôn vinh, và TP luôn quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế lực lượng tuyến đầu để họ yên tâm công tác.
Nhắc lại thông tin như trên, ông Hải cho biết TP.HCM luôn phối hợp với Bộ Y tế để cùng chăm lo cho các y bác sĩ.
Tuy nhiên, ông Hải thừa nhận thực tế vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ cho nhu cầu khám chữa bệnh. Ông Hải cho hay chế độ chính sách đã thông qua nhưng việc triển khai còn chậm, TP đang khẩn trương xử lý.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết TP có những cải thiện về chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế tham gia trong đợt điều trị và phòng dịch này.
Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 37 ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19, mức tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày, thì TP.HCM ra Nghị quyết 02 nâng mức hỗ trợ đối với tất cả các nhóm người tham gia phòng dịch lên 120.000 đồng/người/ngày.
Khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 16 về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù, với mức tiền ăn là 80.000 đồng/người/ngày, thì TP.HCM ban hành Nghị quyết 09, mở rộng thêm một số nhóm hưởng chế độ tiền ăn, nâng mức hỗ trợ tiền ăn là 120.000 đồng/người/ngày.
Ông Châu cho biết thêm hiện các y bác sĩ, nhân viên y tế có chế độ lưu trú với mức không quá 450.000 đồng/người/ngày, để tránh tình trạng lây nhiễm cho người nhà và nhiễm từ cộng đồng.
Từ khóa Dòng sự kiện virus vũ hán y tế quá tải y bác sĩ bỏ việc