Công ty xi măng Thành Thắng xả thẳng nước thải không xử lý ra môi trường
- Minh Sơn
- •
Công ty xi măng Thành Thắng (Hà Nam) đã lắp đặt đường ống để xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, đồng thời xả nước thải sinh hoạt vượt 1,03 lần giá trị giới hạn cho phép.
Chánh Thanh tra Bộ TN-MT Lê Vũ Tuấn Anh vừa ký ban hành Kết luận thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường và tài nguyên nước tại Công ty cổ phần xi măng Thành Thắng Group (thôn Bồng Lạng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm, Hà Nam).
Theo kết luận thanh tra, Công ty xi măng Thành Thắng Group đã lắp đặt đường ống xả nước thải không qua xử lý ra môi trường, không tuân thủ quy trình vận hành được cấp phép môi trường. Mức vi phạm không được công bố.
Ngoài ra, công ty này xả nước thải sinh hoạt vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép 1,03 lần giới hạn.
Vẫn theo kết luận thanh tra, năm 2020-2021, công ty này thực hiện quan trắc khí thải không đúng tần suất. Tuy nhiên, thanh tra cho rằng các hành vi này đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính.
Công ty xi măng Thành Thắng Group còn không phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình khai thác nước và các cơ quan liên quan xác định ranh giới phạm vi của vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình trên thực địa.
Trưởng đoàn thanh tra đã lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty xi măng Thành Thắng Group và chuyển hồ sơ vi phạm đến Chánh Thanh tra Bộ TN-MT ban hành quyết định xử phạt trên 1,8 tỷ đồng.
Thanh tra Bộ TN-MT kiến nghị UBND tỉnh Hà Nam chỉ đạo Sở TN-MT giám sát chặt chẽ hoạt động của Công ty xi măng Thành Thắng Group, yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng giấy phép môi trường; thu gom và xử lý toàn bộ các loại chất thải phát sinh.
Công ty xi măng Thành Thắng Group phải sử dụng nước đúng mục đích, tiết kiệm, hiệu quả và an toàn; bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, sử dụng. Trường hợp phát sinh mục đích khai thác, sử dụng nước khác hoặc phải điều chỉnh các nội dung của giấy phép thì phải lập hồ sơ điều chỉnh giấy phép khai thác nước và hồ sơ điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định.
Theo thông tin tự giới thiệu trên trang web, Công ty xi măng Thành Thắng Group có 5 dây chuyền sản xuất với tổng công suất 10 triệu tấn xi măng/năm; tổng số người lao động là hơn 2.000 người, dây chuyền sản xuất hiện đại được điều khiển tự động hóa 100%.
Công ty có 15 năm kinh nghiệm hoạt động trên các lĩnh vực sản xuất đá vật liệu xây dựng, sản xuất Clinker, xi măng, vôi công nghiệp, gạch bê tông cốt liệu, bê tông thương phẩm…
Nước thải sản xuất xi măng độc hại như thế nào?Theo CWI Môi Trường, nước thải xi măng là nước được tạo ra trong quá trình sản xuất xi măng. Khi sản xuất xi măng, các nguyên liệu (đá vôi, đất sét…) được nung nóng ở nhiệt độ cao để tạo thành clinker xi măng. Quá trình này tạo ra một lượng lớn nước thải chứa các chất ô nhiễm như hợp chất hữu cơ, kim loại nặng và chất độc khác. Nước thải xi măng có thể chứa các hợp chất hữu cơ từ quá trình nung chảy và phân hủy các nguyên liệu, cũng như các chất ô nhiễm hóa học từ phụ gia xi măng và quá trình sản xuất. Nước thải này thường có màu đục và pH cao và nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khi xả thẳng ra môi trường tự nhiên. Công ty Cổ phần Xây dựng Dịch vụ Thương mại Huy Đồng (TP.HCM) cho hay quá trình sản xuất xi măng tạo ra nước thải chứa hợp chất hóa học như amoni, clorua và chì. Những chất này có thể gây độc hại cho động thực vật sống trong môi trường nước. Ngoài ra, nước rửa thiết bị trong quá trình sản xuất chứa nhiều dầu mỡ và COD, nếu không được xử lý trước khi thải ra môi trường sẽ sinh mùi hôi thối, gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm đất, nước, gây các bênh lý về da, tiêu hóa. |
Minh Sơn
Từ khóa xi măng nước thải nhà máy xi măng