Tai nạn lao động khiến mỗi năm hơn 8.000 người thương vong, thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng
- Nguyễn Quân
- •
Trong 5 năm qua, năm 2016 – 2020, mỗi năm tại Việt Nam xảy ra gần 7.400 vụ tai nạn lao động, khiến hơn 8.000 người thương vong. Với tần suất tai nạn lao động như năm 2020, trong 5 năm tới, con số thương vong dự đoán tăng lên tới 230.000 người/năm.
Thông tin trên do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đưa ra tại tổng kết chương trình quốc gia an toàn vệ sinh lao động giai đoạn 2016 – 2020, tổ chức vào sáng 20/4.
Báo cáo của bộ này cho hay trong giai đoạn từ năm 2016 – 2020, chỉ tính riêng khu vực có quan hệ lao động [lao động chính thức], bình quân mỗi năm xảy ra 7.389 vụ tai nạn lao động, làm 7.559 người bị nạn với 613 người chết, tổng số ngày nghỉ do tai nạn lao động là 138.089 ngày.
Bộ này thừa nhận một số vụ tai nạn lao động chết người bị che giấu, không khai báo, một số có báo cáo lại không đầy đủ thông tin.
Số tiền trợ cấp do cơ quan bảo hiểm xã hội chi trả và thiệt hại tức thì về tài sản được doanh nghiệp báo cáo là hơn 1.400 tỷ đồng/năm. Nếu tính thiệt hại về kinh tế do cả ngày công ngừng việc, mất việc, đào tạo lại, giảm năng suất…, ước tính thiệt hại phải gấp hàng chục lần con số này. Tổ chức Lao động quốc tế ước tính bình quân đến 4% GDP.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhận định, căn cứ theo kết quả điều tra năm 2020, dự báo với tần suất tai nạn lao động như năm 2020, trong 5 năm tới, từ năm 2021 – 2025, mỗi năm có thể có khoảng 230.000 người bị tai nạn lao động, số người mắc mới bệnh nghề nghiệp hàng năm sẽ tăng trên 1.000 người. Thiệt hại kinh tế quy tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng/năm.
Qua phân tích dữ liệu trong năm 2020, tai nạn lao động xảy ra chủ yếu ở công ty trách nhiệm hữu hạn, chiếm đến 38,74%, sau đó là công ty cổ phần. Các lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người là xây dựng, khai thác khoáng sản; cơ khí, luyện kim, sản xuất vật liệu xây dựng.
Một điều đáng chú ý, trong hơn 55 triệu lao động của Việt Nam, chỉ khoảng 22 triệu người (khoảng 40%) có hợp đồng lao động, còn lại 60% lao động làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, không có hợp đồng và không tham gia bảo hiểm xã hội. Với những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trong khu vực này thống kê được, có khoảng 1.400 người chết/năm.
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa lao động phi chính thức bệnh nghề nghiệp Bảo hiểm xã hội tai nạn lao động