Cưa hạ hàng cổ thụ ở Vũng Tàu: “Vẫn làm đường được, có muốn giữ hay không thôi”
- Nguyễn Quân
- •
Trong khi giới chức tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho hay cưa hạ cây là việc “đặng chẳng đừng” khi mở rộng đường nhằm xoa dịu sự phản đối từ công luận, có ý kiến chuyên môn nhận định rằng hoàn toàn có phương án thi công trong khi vẫn giữ được hàng cây lâu năm.
Các bản tin trong nước sáng 18/3 đưa tin ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, đã đứng ra nhận khuyết điểm trong một cuộc giữa Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành ủy Vũng Tàu, rằng đã “không tuyên truyền trước”, dẫn đến việc người dân lên mạng phản ứng về việc chặt hạ hàng cây cổ thụ cho dự án mở rộng đường.
Ông Khoa nói rằng Ban thường vụ Thành ủy Vũng Tàu có “sự chủ quan” vì nghĩ rằng khi có dự án, công bố dự án mở đường thì phải giải tỏa cây xanh.
Ông Khoa cho rằng “do không làm công tác tuyên truyền, không giải thích tại sao phải cưa cây”, nên người dân và cả cán bộ hưu trí lên mạng xã hội đặt câu hỏi. “Ban thường vụ kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc vấn đề này”, ông Khoa nói.
Trước đó, báo Bà Rịa-Vũng Tàu ngày 9/3 dẫn lời của ông Quách Tiến Đạo, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng 1 – đơn vị quản lý dự án cho biết khi tuyến đường được đầu tư mở rộng, toàn bộ công trình nổi cũng như ngầm nằm giữa mặt đường đều phải di dời, trong đó có hạng mục cây xanh.
51 cây xanh 2 bên tuyến nằm cách tim đường hiện hữu từ 3,5-5,5 m, trong khi mặt đường Thống Nhất mở rộng mỗi bên 11,5 m (10,5m mặt đường và 1m dải phân cách giữa). “Hơn nữa, các cây xanh trên đã được trồng từ lâu, không cùng thời điểm trồng, không thẳng hàng so với tim đường nên để bố trí một dải đất để giữ lại là không khả thi”, theo ông Khoa.
Theo thông tin công bố, Dự án đường Thống Nhất (nối dài) là công trình chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, và hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Tuyến đường dài hơn 1,8 km, bề ngang 33 m, tổng vốn đầu tư hơn 882 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Một bài phỏng vấn đăng trên Báo Pháp luật TP.HCM ngày 12/3 cũng dẫn lời của ông Hoàng Vũ Thảnh, quyền Chủ tịch UBND TP Vũng Tàu, nói rằng do cây nằm ở tim đường, có cây đã hết tuổi thọ, cây bị sâu… Đường Trương Công Định chỉ rộng 21 m nên giữ lại được hàng cây làm dải phân cách. Đường Thống Nhất mới rộng 33 m nên không thể giữ…
“Vẫn làm đường được, có muốn giữ [cây] hay không thôi”
Theo thông tin do giới chức tỉnh công bố, 51 cây xanh trong nhóm phải cưa hạ gồm các cây xà cừ, xanh, me tây, gừa, nhạc ngựa, bàng, xoài, lộc vừng, sao, giáng hương, nằm trên vỉa hè các tuyến đường Thống Nhất, Lê Lai, Lê Hồng Phong, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Xô Viết-Nghệ Tĩnh.
Trong đó, có hơn 20 cây cổ thụ (chủ yếu là xà cừ) nằm trên hai bên đường Thống Nhất (đoạn sát nhà thờ Vũng Tàu), được xếp vào nhóm 3 (nhóm gỗ nhẹ và mềm, có sức chịu lực cao, độ dẻo dai lớn).
Ông Đỗ Anh Văn, kỹ sư xây dựng dân dụng và công nghiệp, từng phụ trách kỹ thuật trong dự án đường La Thành – Yên Lãng (Hà Nội) do Công ty Sông Hồng – Thăng Long thi công (thuộc Tổng công ty Sông Hồng) cho biết: “Hàng cây nằm ở tim đường thì có thể làm hàng phân cách ở giữa đường. Có nhiều con đường lấy hàng cây và quây thành dải phân cách. Tôi rất thích giữ hàng cây ở giữa, đường mát cả hai bên và vẫn thi công được, cần nhiều công hơn một chút.”
Ông Văn giải thích: Đường cấp tỉnh thường bên dưới là nhiều lớp cấp phối (base A, base B), bên trên là bê tông nhựa đường, hay còn gọi là asphalt thô, asphalt mịn. Thường nó có những lớp như thế. Nếu chặt hết cây, lấy hết rễ thì thì từng lớp đó lu lèn sẽ dễ. Khi xe lu đi thì đi được một vệt luôn. Còn nếu vẫn giữ hàng cây thì đương nhiên khi thi công phải né, phải tránh.
Ngoài ra, ở giữa đường, thường bên dưới bên thi công sẽ làm các đường ống kỹ thuật hoặc các rãnh kỹ thuật, trong đó đi các đường điện, đường nước, đường cáp quang. Đường cấp tỉnh 33 m thì nhiều khi có hàng cột điện dọc theo đường. Như thế thì khi đặt các đường trên có thể vướng vào gốc cây, rễ cây.
“Nhưng mà mình hoàn toàn có thể thay đổi phương án thiết kế, để lệch ra hoặc thế nào đó thì đều được, nếu như thật sự muốn giữ hàng cây thì vẫn làm được.” – ông Văn nhắc lại.
Vậy việc thi công đường nhưng vẫn giữ lại hàng cây có làm đội chi phí, tăng nhân công hay thời gian không?
Ông Văn cho hay: “Thực ra, chi phí cũng tương đương nhau thôi. Bởi vì nếu chặt hàng cây đi thì vẫn phải cắt cành, cắt nhánh, đốn cây, chở cây đi rồi bứng rễ, múc các thứ lên v.v.. Chi phí đó với chi phí để hàng cây rồi tránh đi thì cũng gần như tương đương, không có chênh lệch là mấy. Cái chính là mình có muốn giữ lại hàng cây đó không. Thấy nó đẹp, thấy nó là cảnh quan, là môi trường… có muốn giữ hay không thôi.
Tức là mình đặt vào mục đích khi làm. Nhìn vào dự án, hay là nhìn từ hàng cây để triển khai dự án, thì nó sẽ khác nhau.”
Cũng theo thông tin từ giới chức tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, con đường Thống Nhất (nối dài) sau làm xong sẽ trồng loại cây quý là cây cẩm lai Bà Rịa.
Tuy nhiên, theo trang Sinh vật rừng Việt Nam, đây là loài cây thường xanh, gỗ quý, đặc tính sinh trưởng rất chậm đến trung bình.
Vì gỗ có giá trị rất quý, ngoại hạng với các đặc tính cứng, thớ mịn, ăn vecni… nên ngay ở các vùng trước đây có nhiều cây cẩm lai Bà Rịa như Đồng Nai, Đắc Lắc.. cũng khó tìm được cây có đường kính trên 30 cm, nhiều vùng như Sa Thầy (Kontum), Gia Nghĩa, Lắc (Đắc Lắc)… gần như vắng bóng, vì loại cây này bị săn lùng ráo riết để làm các sản phẩm đồ gỗ cao cấp.
Loại cây này đang được bảo vệ nghiêm ngặt tại các vườn quốc gia như VQG Cát Tiên (Đồng Nai), Chư Đôn (Ea Súp – Đắc Lắc), Mom Rây (Sa Thầy – Kontum).
Một số hình ảnh hàng cây bị cưa hạ gần Nhà xứ Vũng Tàu (quận 1) do người dân ghi lại:
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa sự sống cây cổ thụ chặt cây cây xanh đô thị