Cục Hàng không Việt Nam đề xuất dừng thu phí ô tô vào sân bay
- Kim Long
- •
Việc thu giá dịch vụ sử dụng đường dẫn với ô tô đưa đón khách ở các sân bay mang lại lợi ích cho đơn vị quản lý, nhưng gây thiệt hại cho hành khách. Trước đó, TTCP cũng chỉ ra sai phạm hàng trăm tỷ đồng tại Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Cục trưởng Hàng không Việt Nam ông Đinh Việt Thắng vừa ký văn bản gửi Bộ GTVT về việc tạm dừng thu tiền sử dụng đường dẫn vào nhà ga hàng không trên cả nước, trong đó có sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất.
Theo văn bản, giá dịch vụ chuyên ngành hàng không hiện đang được quản lý theo quy định của luật Hàng không dân dụng Việt Nam và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tuy nhiên, hiện tại giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn vào nhà ga đối với ô tô, đưa, đón trả khách tại các cảng hàng không không được quy định trong danh mục giá.
“Đây là dịch vụ phi hàng không, không thuộc danh mục giá dịch vụ do Bộ GTVT định giá, khung giá” – ông Thắng khẳng định.
Trước đề nghị trên, ông Lại Xuân Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) – đơn vị quản lý sân bay cho biết nếu Bộ GTVT đồng ý với đề xuất của Cục Hàng không thì ACV sẽ dừng thu phí.
Tuy nhiên, việc thu phí này được thực hiện từ năm 2000 theo quyết định của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam.
Theo ông Thanh, để đảm bảo thu hồi vốn đầu tư, chi phí khai thác, bảo trì, sửa chữa, đảm bảo an ninh trật tự, điều hành phân luồng, tuyến đối với giao thông trong khu vực nội cảng, việc thu phí dừng, đỗ với ô tô đưa đón trả khách tại nhà ga hành khách là đảm bảo nguyên tắc đầu tư, khai thác, không nhằm mục đích kinh doanh. Việc thu này phù hợp với quy định của luật Hàng không dân dụng Việt Nam, luật Đất đai và thông lệ quốc tế…
Trong giai đoạn 2012 – 2016, ACV chi hơn 1.770 tỷ đồng cho đầu tư, nâng cấp, sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng và chi phí khai thác tất cả các đường ra vào tại 22 sân bay trong cả nước bằng nguồn vốn của tổng công ty. Do đó, nguồn thu từ việc thu giá dịch vụ sử dụng sân đường dẫn chưa đủ bù đắp chi phí đầu tư.
Do đó, ACV kiến nghị Nhà nước coi đây là dịch vụ phi hàng không thiết yếu, được Nhà nước quản lý giá theo quy định tại luật Hàng không dân dụng Việt Nam.
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý vụ việc, báo cáo Thủ tướng kết quả trong tháng 3/2018.
Trước đó, TTCP chỉ ra hàng loạt sai phạm tại ACV trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản, cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu tại Tổng công ty.
Theo kết luận thanh tra, ACV thu tiền một số giá dịch vụ phi hàng không là không đúng với Luật Đất đai 2013 và Luật Hàng không dân dụng.
21 cảng hàng không trên cả nước đang thu tiền dịch vụ đường dẫn vào nhà ga hàng không đối với các ô tô đưa, đón trả khách (không sử dụng dịch vụ trông, giữ xe; chỉ tạm dừng dưới 3 – 5 phút để đón, trả khách) với mức giá vé lượt từ 7.000-30.000 đồng và vé tháng từ 600.000-1.650.000 đồng/tháng.
Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ tháng 1/2012 đến 31/12/2015, tổng doanh thu từ việc thu phí ra vào của 19/21 cảng hàng không là gần 551 tỷ đồng. Kết luận khẳng định trách nhiệm thuộc về ACV và 21 cảng hàng không.
“Việc thu không đúng quy định Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng tuy mang lại lợi ích cho ACV, cho nhà nước (khi ACV chưa cổ phần hóa) nhưng vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho hành khách và hiện chưa có hướng khắc phục triệt để”- kết luận thanh tra chỉ rõ.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa Cục Hàng Không Việt Nam ACV Kiểm điểm Cục Hàng không sai phạm tại ACV