Cục XNK thừa nhận chưa có quy định thế nào là hàng “Made in Vietnam”
- Thanh Thuỷ
- •
Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Vietnam” (Sản xuất tại Việt Nam)
Từ sau Khaisilk, đến lượt thương hiệu điện tử Asanzo bị tố đánh tráo xuất xứ hàng Trung Quốc thành hàng Việt.
Theo đó, Asanzo đã nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp TV, nhưng xé tem nhãn Trung Quốc hoặc dán đè lên để che dấu về xuất xứ các linh kiện trong sản phẩm, theo điều tra của Tuổi trẻ.
Theo giám đốc Asanzo Phạm Văn Tam, tỷ lệ nội địa hóa của TV Asanzo không phải tính trên từng món linh kiện mà tính trên giá tiền hóa đơn đầu vào, còn Asanzo gần như nhập 100% linh kiện, công ty tại Việt Nam chỉ lắp rắp, kiểm tra sản phẩm rồi cho ra thị trường.
Như vậy, định nghĩa “Made in Vietnam” của ông Phạm Văn Tam là “hàm lượng” sản xuất ở Việt Nam chỉ cần có vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp…
Điều này cho thấy khái niệm thế nào là “Made in Vietnam” còn rất mơ hồ với cả nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Vào tháng 2/2019, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng.
Theo đó, có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Vietnam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
Cục Xuất nhập khẩu cho biết, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017 về nhãn hàng hoá, quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại Việt Nam và hàng hóa nhập khẩu như “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định tiêu chí, ví dụ về hàm lượng giá trị sản phẩm hay quá trình sản xuất v.v để xác định xuất xứ hàng hoá.
Trên thế giới hiện nay, việc phân công lao động, bố trí chuỗi cung ứng trải rộng trên nhiều quốc gia khác nhau trở nên rất phổ biến. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam, hoặc doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hoàn toàn có thể đặt sản xuất một số chi tiết, bộ phận ở nước ngoài rồi tiếp tục sản xuất, lắp ráp ở Việt Nam.
Tuy nhiên, vì chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ sản xuất, chế biến ở Việt Nam như thế nào, chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá trị sản phẩm thì được coi là “Made in Vietnam”, nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở và sự chưa rõ ràng này để biến sản phẩm của mình thành hàng Việt.
Trong khi đó, nhìn chung, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất.
Tại Mỹ, Uỷ ban Thương Mại Mỹ (Federal Trade Commission – FTC) quy định hàng ghi nhãn “Made in USA” phải có hàm lượng sản xuất nội địa 100% hoặc gần như 100%, mặc dù một số bang có thể giảm mức này xuống khoảng 95%.
Tại Ý, hàng dãn nhãn “Made in Italy” – được coi là tài nguyên kinh tế quốc gia – đòi hỏi các sản phẩm phải được sản xuất hoàn toàn trong nước, từ linh kiện, đến thiết kế và sản xuất, đóng gói. Theo quy định, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro.
Tại Đức, “Made in Germany” từ lâu được coi là một sự khẳng định cho chất lượng và uy tín. Sản phẩm gắn nhãn “Made in Germany” phải có các công đoạn thiết yếu của quá trình sản xuất như phát triển, thiết kế, sản xuất và kiểm tra chất lượng diễn ra độc quyền tại Đức.
Thanh Thuỷ (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa made in Vietnam Asanzo