ĐBQH: Đặt máy chủ tại Việt Nam là trái cam kết quốc tế
- Trần Tâm
- •
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng việc yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt máy chủ tại Việt Nam là trái cam kết quốc tế.
Sáng nay (23/11), Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật An ninh mạng, nhiều ĐBQH bày tỏ quan tâm đến quy định doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ viễn thông Internet cho người dùng ở Việt Nam thì có cần phải đặt máy chủ quản lý dữ liệu tại Việt Nam.
Tại buổi thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) cho rằng quy định “nhà cung cấp dịch vụ mạng phải đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Việt Nam” là trái với cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam.
Theo ĐB Thúy, trong cam kết của WTO, dịch vụ viễn thông cung cấp qua biên giới là không hạn chế tiếp cận thị trường, trừ một số trường hợp cụ thể, nhưng trong các trường hợp loại trừ đó không quy định phải có cơ quan đại diện trên lãnh thổ Việt Nam. Tương tự đối với cam kết của Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam.
ĐB Thúy lấy thêm dẫn chứng trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Việt Nam ký kết tháng 2/2016 có điều khoản “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện kinh doanh trong lãnh thổ đó, để triển khai công việc”.
Hiện Việt Nam đang trong quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Quy định về địa điểm của hạ tầng công nghệ thông tin không thay đổi so với TPP và phía Việt Nam cũng không đòi hỏi thay đổi.
Do đó, theo bà Thuý, Luật an ninh mạng không nên đặt ra những quy định trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
“Chúng ta đã có 2 luật để bảo vệ an toàn thông tin mạng rồi, nay thêm một luật nữa, như 3 cái khóa cùng khóa một cửa. Vậy thì phải xem lại các khóa đã có đã đảm bảo chưa, nếu chưa thì tại sao không gia cố mà lại phải kèm theo một khóa nữa, phức tạp, cồng kềnh hơn” – ĐB Thúy đặt câu hỏi.
Cùng thảo luận về vấn đề trên, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cho hay với việc sử dụng công nghệ điện toán đám mây, việc yêu cầu các công ty đa quốc gia đặt máy chủ ở Việt Nam là khó thực hiện.
“Để ngăn chặn các tin tức giả, chúng ta nên xem xét các biện pháp khác như tăng cường mức phạt. Ở Đức, mức phạt cao nhất lên đến 50 triệu euro đối với hành vi đưa tin tức giả. Đừng lấy con số hàng 100 triệu USD quảng cáo chúng ta chưa thu được thuế mà chúng ta có thể bị mất hoàn toàn. Vì những quảng cáo đó cũng có những thông tin bổ ích mà mạng xã hội mang lại, là bộ phận rất quan trọng giúp phát triển kinh tế – xã hội, giúp nâng cao dân trí” – ĐB Hiếu nói.
Ông Hiếu dẫn số liệu cho thấy Việt Nam hiện có 80 triệu tài khoản Facebook – là một trong những nước có lượng người truy cập mạng xã hội lớn nhất thế giới, ông Hiếu đề nghị cần cân nhắc yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia và phát triển kinh tế xã hội trước khi ban hành dự Luật này.
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa đặt máy chủ tại Việt Nam Nguyễn Thị Kim Thúy