Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), đơn vị quản lý vận hành, khai thác tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông cho biết phương án giá vé đã được trình UBND TP. Hà Nội xem xét, phê duyệt.

de xuat gia ve metro cat linh cao hon 40 so voi ve xe buyt 1
Giá vé tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông sẽ gồm giá vé mở cửa và giá tính theo km. (Ảnh: Nguyễn Quân)

Theo đó, mức giá vé bình quân của đường sắt Cát Linh – Hà Đông được đề xuất cao hơn xe buýt khoảng hơn 40%.

Về cơ cấu giá, có một mức giá cố định chung (giá mở cửa), sau đó cộng thêm tiền cho mỗi kilomet. Mức giá vé lượt khác với giá vé tháng. Trong đó, vé tháng được tính theo thời gian thực, đủ 30 ngày, khác với cách tính theo thời gian từ đầu tháng đến cuối tháng theo lịch như xe buýt hiện nay.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) – ông Vũ Hồng Trường cho biết trong ba phương án giá vé đơn vị đã trình UBND Hà Nội, ưu tiên phương án 2 với bình quân hành khách đi khoảng 5-6 km, giá vé cao hơn vé xe buýt (7.000 đồng/lượt) khoảng 37%; đi toàn tuyến sẽ cao hơn.

Theo đại diện Metro Hà Nội, phương án này được xây dựng với sự hỗ trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), theo kinh nghiệm thế giới và căn cứ khả năng chi trả của người dân, có trợ giá của nhà nước để có tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân.
de xuat gia ve metro cat linh cao hon 40 so voi ve xe buyt
Mức giá vé đề xuất đã có trợ giá từ ngân sách nhà nước. (Ảnh: Nguyễn Quân)

Ông Vũ Hồng Trường cho biết năng lực thiết kế của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là 144 chuyến/ngày với 960 hành khách/chuyến. Như vậy có khoảng 160.000-180.000 hành khách/ngày, gấp 10 lần tuyến xe buýt nhanh BRT nên Hà Nội đã lên phương án giải tỏa nhanh lượng hành khách xuống tại các nhà ga và tiếp cận nhà ga.

Theo kế hoạch, đường sắt Cát Linh – Hà Đông khi vận hành chính thức sẽ hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày; từ 5 – 6 phút có một chuyến, ngoài giờ cao điểm 10 phút chuyến; mỗi khi tiếp cận ga, đoàn tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống.

Tàu được thiết kế chạy 80km/h, tuy nhiên vận tốc khai thác bình quân sẽ chạy ở tốc độ 35km/h và tốc độ cho phép chạy đến 65km/h. Dự kiến việc di chuyển từ bến xe Yên Nghĩa đến ga Cát Linh và ngược lại (dài 13,1km) sẽ hết trung bình từ 15-20 phút.

Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông được vận hành thử từ ngày 22/9, trong thời gian từ 3 đến 6 tháng, dự kiến đưa vào khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019.

Nguyễn Quân

Xem thêm: