Tỷ lệ gia tăng dân số Việt Nam liên tục giảm từ 1,7% (năm 1999) xuống 1,14% (năm 2019) và 0,85% (năm 2023). Dự báo đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0.

nuoi con sua me
Một phụ nữ vùng cao đang cho con bú tại phiên chợ, Lào Cai, tháng 12/2013. (Ảnh minh họa: Jimmy Tran/Shutterstock)

Thông tin trên được nêu tại Lễ phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12 năm 2024, do UBND TP. Hà Nội phối hợp Bộ Y tế tổ chức ngày 10/12.

Ông Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội ở hiện tại và tương lai.

Việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc chưa thật sự bền vững, xuất hiện xu thế mức sinh xuống thấp“, Thứ trưởng Thuấn nói. Mức sinh năm 2023 ước tính là 1,96 con/phụ nữ, mức thấp nhất trong lịch sử (mức sinh thay thế lý tưởng là 2,1 con/phụ nữ); dự báo tỷ lệ trên tiếp tục giảm trong những năm tới.

Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ ba khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và Philippines, đứng thứ 15 trên thế giới. Song tỷ lệ gia tăng dân số liên tục giảm từ năm 1999 là 1,7% xuống còn 1,14% năm 2019 và 0,85% vào năm 2023.

mr Matt Jackson
Ông Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế tại buổi lễ. (Ảnh: vnpa.moh.gov.vn)

Dân số trung bình năm 2023 Việt Nam ước tính 100,3 triệu người, tăng gần 835.000 người so năm trước. Trong 10 năm 2013-2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam tăng khoảng 1 triệu người. Tổng cục Thống kê dự báo ở phương án mức sinh trung bình, đến năm 2069, tỷ lệ tăng dân số bình quân Việt Nam sẽ về 0.

Tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh đã được khống chế, nhưng vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm. Chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh vẫn ở mức cao và chưa có dấu hiệu giảm (năm 2023 là 112 bé trai/100 bé gái).

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết, mang thai và sinh con ở người chưa thành niên vẫn còn; tầm vóc, thể lực, chất lượng cuộc sống cần phải được cải thiện nhiều hơn…

Theo các chuyên gia dân số, mất cân bằng giới tính tác động xấu tới cấu trúc dân số tương lai và dư thừa nam giới, do đó, cần tiếp tục khuyến cáo người trẻ khám sức khỏe trước hôn nhân; duy trì mức sinh hợp lý; sinh đủ 2 con… Mục tiêu của ngành dân số là chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Bộ Y tế đang xây dựng dự án Luật Dân số và các văn bản hướng dẫn thi hành, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới.

Ông Matt Jackson – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho hay người dân Việt Nam hiện nay sống thọ hơn, đó là dấu hiệu đáng mừng của sự phát triển.

“Các kết quả từ nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp cùng UNFPA cho thấy, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn “dân số vàng”; nghĩa là mỗi người phụ thuộc được hỗ trợ bởi hai người trong độ tuổi lao động.

Tuy nhiên, dân số Việt Nam đã bắt đầu già hóa từ năm 2011 và đang già hóa với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia có dân số già vào năm 2036 và là xã hội siêu già vào năm 2049. Đồng thời, Việt Nam cũng đang bước vào xu hướng mức sinh thấp, với tổng tỷ suất sinh (TFR) là 1,96 vào năm 2023”, ông Jackson nói.

thu truong thuan
Ông Matt Jackson – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam. (Ảnh: vnpa.moh.gov.vn)

Trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã vượt chỉ tiêu về giảm tỷ lệ tử vong mẹ, đạt mức giảm 46 phần nghìn trong 20 năm qua, cao hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu là 34 phần nghìn. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại của phụ nữ trong độ tuổi 15 – 49 đã tăng lên, đạt hơn 60%, góp phần nâng cao sức khỏe sinh sản cho mọi người.

Tuy vậy, bất bình đẳng vẫn đang còn là thách thức ở Việt Nam. Tỷ lệ tử vong mẹ ở các vùng tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa cao gấp 3 – 4 lần so với mức trung bình cả nước. Nhu cầu chưa được đáp ứng về biện pháp tránh thai hiện đại ở thanh niên chưa kết hôn chiếm 40%, gấp 4 lần so với các cặp vợ chồng đã kết hôn.

Bạo lực giới vẫn phổ biến, với gần 2/3 (62,9%) phụ nữ đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực bởi chồng/bạn tình trong suốt cuộc đời của mình.

Tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi vẫn phổ biến tại Việt Nam, được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến sự mất cân bằng giới tính khi sinh…

 “UNFPA tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam nhằm cải thiện khả năng tiếp cận dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục chất lượng cho người dân; thúc đẩy quyền sinh sản; giảm tỷ lệ tử vong mẹ; thu thập và phân tích dữ liệu về dân số đạt chất lượng cao nhất, và giải quyết vấn đề bình đẳng giới và bạo lực giới. Chúng tôi cũng cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xác định các cơ hội mà thay đổi nhân khẩu học đem lại, thúc đẩy phát triển thanh niên và thích ứng phó với già hóa dân số”, đại diện UNFPA tại Việt Nam cho hay.

Nguyễn Sơn