Tiệm cận mốc 1.500 ca nhiễm virus Vũ Hán (nCov), tối 19/6, giới chức TP.HCM họp báo công bố nâng cấp mức độ phong tỏa trên toàn thành phố: tạm dừng hàng loạt hoạt động kinh doanh, dân sinh như ngưng chợ tự phát, dừng toàn bộ taxi, taxi công nghệ (xe 2 bánh vẫn hoạt động), xe buýt; yêu cầu người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết…; khoanh vùng phong tỏa theo thang nguy cơ từ rất cao đến mức bình thường mới.

dung xe cong nghe tphcm
Các tài xế xe công nghệ tại một điểm khai báo y tế vào quận Gò Vấp, trưa 3/6. (Ảnh: CTV/Trí thức VN)

Từ cuộc họp báo, báo Thanh Niên dẫn tin cho hay ông Từ Lương, Phó giám đốc Sở TT-TT TP.HCM nói Chủ tịch UBND TP.HCM sắp ra chỉ thị mới về tăng cường các biện pháp phòng dịch COVID-19. Bản chỉ thị này chưa được ban hành, tuy nhiên, những biện pháp bổ sung sắp tới sẽ ảnh hưởng tới nhiều người nên được thông báo trước đến báo giới.

Ngoài các yêu cầu trước đây, những quy định sau sẽ áp dụng trong thời gian tới tại TP.HCM:

Thứ 1, tạm dừng các loại hình kinh doanh dịch vụ không cần thiết, dừng các hoạt động của xe taxi, xe taxi công nghệ (xe 2 bánh vẫn hoạt động bình thường), xe liên tỉnh và các tuyến xe buýt.

Thứ 2, không tập trung trên 3 người tại nơi công cộng bên ngoài công sở, bệnh viện, trường học; yêu cầu giữ khoảng cách tối thiểu giữa người với người là 1,5m.

Thứ 3, TP.HCM yêu cầu người dân ở nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp và các trường hợp khác do Sở Y tế hướng dẫn.

Thứ 4 là các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhà máy xí nghiệp hoạt động bình thường nhưng phải bảo đảm khoảng cách an toàn giữa người lao động với nhau là 1,5m, mang khẩu trang nơi làm việc, khử trùng, diệt khuẩn; đồng thời có văn bản cam kết tuân thủ biện pháp phòng chống dịch gửi chính quyền địa phương và nơi làm việc.

Thứ 5, các cơ quan nhà nước đảm bảo quy định về giãn cách trong quy trình làm việc, các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn hạn chế làm việc trực tiếp chuyển sang làm việc trực tuyến, chỉ đến trụ sở giải quyết công việc thật sự cần thiết và tuân thủ 5K.

Thứ 6, dừng các cuộc hội họp không cần thiết, nếu tổ chức thì không quá 10 người trong một phòng, ngoại trừ các cuộc họp đặc biệt được chính quyền địa phương cho phép.

Ông Lương thừa nhận dịch tại TP.HCM đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm những ngày qua tăng nhanh ở mức 3 con số mỗi ngày, hơn 400 điểm phong tỏa.

Đáng lưu ý, Phó chủ tịch UBND TP.HCM – ông Dương Anh Đức cho biết TP.HCM sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp phù hợp với tình hình, ngoài theo các Chỉ thị của Chính phủ còn dựa trên đánh giá của Bộ Y tế về mức độ nguy cơ: nguy cơ rất cao (màu đỏ), nguy cơ cao (màu cam), nguy cơ (màu vàng) và mức độ bình thường mới (màu xanh). Vùng có nguy cơ rất cao sẽ phong tỏa.

Hiện tại, khẩn cấp nhất, UBND TP.HCM quyết định phong tỏa theo Chỉ thị 16 đối với 3 khu phố 2, 3, 4 thuộc phường An Lạc, quận Bình Tân, với khoảng 60.000 người, trong vòng 14 ngày, từ 0h ngày 20/6.

Ba khu phố này là nơi tập trung hơn 300 doanh nghiệp và 4 cơ quan hành chính gồm: Văn phòng tiếp công dân của Trung ương Đảng, Tòa án, Viện kiểm sát quận, Chi cục Thi hành án dân sự quận. Ổ dịch lớn chung cư Ehome 3 – đã phong tỏa từ 10h ngày 13/6, tính đến chiều 18/6 chiếm 81/193 ca toàn quận.

Giải pháp khẩn cấp khi chuỗi lây cũ chưa ‘cắt’ lại thêm hàng loạt ca nhiễm không rõ nguồn?

Quyết định nâng mức kiểm soát được đưa ra vào cuối ngày thứ 5 kể từ khi TP gia hạn giãn cách thêm 15 ngày. TP.HCM đang đối diện nguy cơ dịch lan tràn khi phát hiện thêm hàng chục ca lây nhiễm trong cộng đồng chưa rõ nguồn. Tình trạng lây nhiễm đang được ví như “quả bóng bàn nảy chỗ này rồi tưng chỗ khác” (HCDC) đặt TP vào cảnh báo nguy hiểm khi tổng số ca lên tới 1.481 ca trong chưa đầy một tháng (từ ngày 27/5 đến tối 19/6).

Tính trong vòng 48h gần nhất, từ 18h ngày 17/6 đến 18h ngày 19/6, TP.HCM ghi nhận tới 33 ca nhiễm không rõ nguồn lây, rải rác tại nhiều quận, huyện (không kể chuỗi lây phát hiện tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM). Một số ca có thể điểm qua như ngày 16/6, một người làm tại vựa ve chai số 1, đường Đề Thám, phường Cô Giang, Quận 1 bị phát hiện nhiễm nCoV.

Ngày 17/6, một cảnh sát phòng cháy chữa cháy thuộc Phòng PC07 – Công an TP.HCM cùng 6 người trong gia đình dương tính với COVID-19. Chiều cùng ngày, 2 mẹ con người bán trái cây ở cổng Công ty PouYuen khi được cấp cứu do tai nạn giao thông thì được phát hiện dương tính COVID-19. Người chồng sau đó cũng có kết quả nhiễm nCoV.

Đến tối, thêm một tài xế GrabBike ở hẻm 224, phường Thạnh Xuân, quận 12 được phát hiện dương tính nCoV khi xét nghiệm tầm soát. Người này cho biết trong suốt thời gian qua, anh không tiếp xúc với 2 ca nghi nhiễm ở đầu hẻm, đi làm luôn đeo khẩu trang, báo Tuổi Trẻ đưa tin.

4 lan song lay nhiem covid 19 vietnam
Biểu đồ biểu thị số ca nhiễm trong 4 đợt bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam, trong đó đợt 4 chưa đạt đỉnh. (Nguồn: GS Nguyễn Thiện Nhân/sggp.org/medinet.hochiminhcity.gov.vn)

Sang ngày 18/6, một nam điều dưỡng ở khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM có kết quả dương tính với COVID-19 trong đợt xét nghiệm tầm soát toàn bộ nhân viên của bệnh viện. Nguồn lây chưa được xác định khi nam điều dưỡng này từng đi lấy mẫu xét nghiệm ngoài cộng đồng, còn tại bệnh viện, 10 ngày trước đó, chiều 8/6, có 2 vợ chồng đến khám bệnh, được sàng lọc và xét nghiệm, rồi cùng có kết quả dương tính COVID-19.

Tối 17/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) nhận định trong đợt dịch thứ 4, sự lây nhiễm trong TP đang diễn ra từ nơi cư trú rồi mang vào nơi làm việc, rồi lại từ nơi làm việc mang về nơi cư trú, tạo thành những chu kỳ lây nhiễm qua lại.

“Chúng ta có thể hình dung nó như quả bóng bàn nảy qua chỗ này rồi lại tưng qua chỗ khác”, do đó khi ca chỉ điểm được phát hiện thì các chuỗi lây đã lây nhiễm qua lại vài chu kỳ – cơ quan này nhận định, dẫn theo Tuổi Trẻ.

So với hơn một năm trước, hồi tháng 2/2020, khi Chủ tịch UBND TP.HCM – ông Nguyễn Thành Phong cảnh báo giới hạn đỏ của TP là 1.000 ca nhiễm do chỉ có 900 giường điều trị COVID-19, TP hiện tại đã nâng mạng lưới lên 9 bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 với 3.460 giường (3.080 giường điều trị; 380 giường hồi sức).

Tuy nhiên, với số ca nhiễm đang tiến sát mốc 1.500 ca trong chưa đầy một tháng và chưa đạt đỉnh, hệ thống y tế dự phòng và điều trị của TP phải tính đến nguy cơ quá tải trước khi điều này trở thành sự thực, khi nhiều bệnh viện, phòng khám bị ảnh hưởng bởi người bệnh nhiễm COVID-19 và bài học lớn từ chuỗi lây trong nhân viên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

https://trithucvn2.net/tin-tuc-vn/binh-duong-dich-covid-19-xam-nhap-nhieu-cong-ty-nha-tro-cong-nhan.html