Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan ra nhiều tỉnh thành
Tính đến hết ngày 27/2, bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã xảy ra tại các tỉnh Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa và Hà Nam, theo báo cáo mới nhất của Bộ NN&PTNT.
Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 2.349 con (tổng trọng lượng tiêu hủy hơn trên 172,5 tấn), tổn thất ước tính hàng chục tỷ đồng.
Mới nhất, tại Hà Nam, ngày 27/2, bệnh ASF được phát hiện tại một hộ chăn nuôi lợn rừng tại xã Văn Xã, huyện Kim Bảng. Toàn bộ 15 con lợn dương tính với bệnh được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn.
Ngoài ra, Cục Thú y lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả phát hiện có một số hộ có lợn dương tính với virut bệnh. Số lợn nhiễm bệnh đã bị xử lý tiêu hủy.
Tại Thanh Hóa, ngày 24/2, cơ quan chức năng đã tiến hành tiêu hủy 226 con lợn (tổng trọng lượng 5,6 tấn) của 7 hộ chăn nuôi ở xã Định Long (Yên Định) do dương tính với dịch tả lợn châu Phi, đồng thời thực hiện các biện pháp khoanh vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc.
Tình hình lợn ốm được phát hiện vào ngày 13/2 tại trang trại của ông Lê Văn Thanh (thôn Tân Ngữ 2, xã Định Long, huyện Yên Định). Lợn xuất hiện các triệu chứng chê cám, bỏ ăn, sau đó nhiều con chết. Kết quả xét nghiệm cho thấy 3 mẫu lấy tại trại heo của ông Thanh dương tính với virut ASF.
Ngày 25/2, UBND tỉnh Thanh Hóa ra công điện khẩn gửi 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng chống dịch tả lợn châu Phi.
Tại cuộc họp khẩn cấp nhằm phòng chống, hạn chế dịch tả lợn châu Phi (ASF) có nguy cơ lan rộng ra nhiều địa phương diễn ra vào sáng 28/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi không lây sang người, gia cầm, nhưng rất nguy hiểm, vì lợn mắc bệnh chết rất nhanh và chưa có thuốc điều trị.
“Các giải triển khai phải tổng hợp, phòng là chính, xây dựng dịch bản với dịch lan ra diện rộng. Tránh hoảng loạn, bán tháo bán chạy, hoặc người dân e ngại không ăn thịt lợn nữa…“, ông Cường nói.
Hiện giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn buộc phải tiêu hủy theo quy định là 38.000 đồng/kg lợn hơi, mức giá này thấp hơn so với giá thị trường; nhiều nơi chỉ hỗ trợ khoảng 27.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời gian hỗ trợ kéo dài nhiều tháng; thủ tục hỗ trợ vướng mắc… nên dẫn đến tình trạng người dân bán chạy lợn bệnh, lợn nghi bệnh.
Theo ông Cường, việc hỗ trợ phải tức thì, nguồn từ dự phòng thiên tai dịch bệnh, có như vậy mới tránh bán tháo, mới hạn chế dịch bệnh lây lan. Ngoài ra tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển lợn, sản phẩm lợn ra vào địa bàn cấp tỉnh; nếu phát hiện lợn bệnh, nghi bệnh, chết,… thì lấy mẫu xét nghiệm bệnh và xử lý theo quy định.
Tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra vào vùng có dịch, đi qua trạm, chốt kiểm dịch động vật tạm thời, trạm kiểm dịch động vật tại đầu mối giao thông.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ NN&PTNT, các bộ ngành, các địa phương triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch; phòng chống dịch, hỗ trợ người chăn nuôi trong địa bàn; vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để chăn nuôi lợn.
Dự kiến, ngày 4/3, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến về chỉ đạo chống dịch tả lợn châu Phi với 63 tỉnh thành.
Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra đối với loài lợn. Biểu hiện gây sốt cao, xuất huyết nặng. Bệnh có đặc điểm lây lan nhanh ở tất cả các loại lợn với tỷ lệ lợn chết cao, lên đến 100%. Bệnh lây truyền qua đàn lợn thông qua việc tiếp xúc với máu, dịch nhầy của lợn bệnh. Theo thống kê của OIE, từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng hơn 1 triệu con lợn phải tiêu hủy. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định bệnh dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh trên người. Bệnh chủ yếu lây trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khoẻ mạnh, gián tiếp qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang virus. |
Nguyễn Quân
Xem thêm:
Từ khóa dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi lợn bệnh