Dịch tả lợn châu Phi: ‘Tình hình cực kỳ phức tạp’
- Hoàng Minh
- •
Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định tình hình diễn biến của dịch tả lợn châu Phi đang “cực kỳ phức tạp, có thể lây lan tới 100% các tỉnh thành phố”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có buổi làm việc với lãnh đạo Bộ NN&PTNT, UBND TP. Hà Nội, huyện Đông Anh và các hộ chăn nuôi lợn.
Tại buổi làm việc, chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết toàn thành phố có hơn 1,87 triệu con lợn. Hà Nội là địa phương có tổng đàn lợn đứng đầu cả nước. Ổ dịch tả lợn châu Phi đầu tiên xuất hiện tại hộ chăn nuôi lợn rừng sử dụng thức ăn tận dụng tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên) vào ngày 24/2/2019. Đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 9.465 hộ chăn nuôi, làm mắc bệnh và tiêu hủy hơn 147.700 con. Trong đó, một số huyện bị ảnh hưởng nhiều là Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên.
Theo ông Chung, dịch bệnh có chiều hướng lây lan nhanh, ở phạm vi rộng, ở các quy mô chăn nuôi lớn hơn, kể cả một số hộ có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học tốt hơn. Đến nay, có 23 hộ chăn nuôi có số lượng lợn phải tiêu hủy từ 200 con trở lên. Trong đó, hộ có số lượng lợn tiêu hủy lớn nhất là 629 con tại huyện Đông Anh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định chưa bao giờ ngành chăn nuôi thế giới cũng như Việt Nam đối mặt loại bệnh nguy hiểm như này. Mặc dù đã phòng chống dịch rất sớm (từ tháng 8/2018, khi dịch xuất hiện ở Trung Quốc), nhưng bệnh vẫn lây lan và vào ngày 1/2/2019, dịch bắt đầu ở địa phương đầu tiên là Hưng Yên. Đến nay, bệnh đã lây lan ở 34 tỉnh, thành phố. Số lượng lợn tiêu hủy đến nay khoảng 1,5 triệu con, chiếm 5% tổng đàn lợn.
Theo ông Cường, nếu không làm tốt công tác phòng chống, dịch sẽ tiếp tục lây lan, có thể lên tới 100% địa bàn, kể cả những nơi hết dịch sau 30 ngày thì bệnh vẫn quay trở lại. Không chỉ những hộ nhỏ lẻ, đến nay, cả những hộ chăn nuôi lớn cũng bị ảnh hưởng.
“Tình hình dịch bệnh cực kỳ phức tạp” – ông Cường nhấn mạnh.
Cũng tại buổi làm việc, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay do đặc điểm chăn nuôi lợn ở Việt Nam với 2,5 triệu hộ nuôi lợn và do đặc điểm của bệnh nên đến nay, 34 tỉnh, thành phố bị thiệt hại với 5% tổng đàn. Ở Hà Nội, có 24/24 huyện, quận đã bị nhiễm bệnh với 10% tổng đàn bị thiệt hại, còn Đông Anh thì thiệt hại đến 20%.
Thủ tướng lưu ý theo cảnh báo của FAO (Tổ chức Lương thực, Nông nghiệp Liên Hợp Quốc), dịch tả lợn châu Phi có thể kéo dài. Ở các nước lân cận, cũng bị thiệt hại rất lớn.
Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu cần liên tục cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh để các cơ quan, người dân nắm tình hình, đồng thời lưu ý người dân không nên quay lưng lại với thịt lợn sạch, được kiểm soát,…
Trước đó ngày 14/5, tại buổi làm việc của Bộ NN&PTNT với tỉnh Đồng Nai về dịch tả lợn châu Phi, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp phản ánh thời gian vừa qua ở một số tỉnh báo cáo rất hay và khá bình tĩnh, như chưa hề có dịch nghiêm trọng xảy ra nhưng trên thực tế thì heo chết lại quăng đầy bên đường, xác heo trôi đầy sông, điển hình như ở Bắc Giang. Ngoài ra, các tỉnh lập nhiều chốt kiểm dịch nhưng không kiểm soát được, chỉ hình thức, tốn người, tốn hóa chất, không hiệu quả. Hiện một số tỉnh ngoài Bắc đã siết chặt khâu kiểm dịch, nhưng cũng có những tỉnh còn chủ quan và rất lơ là. Nếu không có giải pháp thì trong thời gian tới tình hình sẽ rất nguy hiểm. Vì thế, ông Tiến lưu ý cơ quan thú y cần cử lực lượng cán bộ xuống tận các địa phương để trực tiếp tập huấn; đồng thời xây dựng kịch bản ở các cấp độ khác nhau nhằm chủ động kiểm soát tốt dịch bệnh trong thời gian tới. |
Video ghi lại cảnh lợn bệnh chết trôi sông tại Bắc Giang:
Hoàng Minh
Xem thêm:
Từ khóa Bộ NN&PTNT dịch tả lợn châu Phi