Tỉnh Điện Biên phát hiện 13 người mắc bệnh than thuộc 3 ổ dịch ở huyện Tủa Chùa, có yếu tố dịch tễ là giết mổ và ăn thịt trâu bò chết không rõ nguyên nhân.

dien bien phat hien 3 o dich benh than tren nguoi bo y te vao cuoc
Biểu hiện bệnh than trên cơ thể người bệnh tại huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. (Ảnh: vtc.vn)

Truyền thông trong nước đưa tin ngày 2/6, Bộ Y tế có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Điện Biên liên quan việc địa phương này phát hiện 3 ổ dịch bệnh than trên người.

Trước đó, tại xã Mường Báng và xã Xá Nhè (đều ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên) xuất hiện 3 ổ dịch than trên da với 13 trường hợp mắc, trong đó xã Xá Nhè có 2 ổ. Hiện chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong. Cả 3 ổ dịch trên đều xuất phát từ trâu, bò chết không rõ nguyên nhân của bản Pàng Dề A.

Cơ quan chức năng cũng tiếp tục ghi nhận thêm 132 người có tiếp xúc, ăn thịt của 3 con trâu, bò nêu trên. Các triệu chứng trên bệnh nhân gồm: bọng nước, xuất hiện vết loét trên da; Một số người xuất hiện triệu chứng đau đầu, đau bụng, tiêu chảy, khó thở, đau nhức toàn thân.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Điện Biên (CDC), bệnh than (còn gọi nhiệt than) là bệnh truyền nhiễm thường phát hiện trên các loài máu nóng như gia súc, động vật hoang dã và ở người. Tác nhân chính gây bệnh than là vi khuẩn Bacillus anthracis có khả năng sinh bào tử, hay còn gọi nha bào. Bào tử của vi khuẩn Bacillus anthracis tồn tại rất lâu và sức sống rất cao trong môi trường tự nhiên, có khả năng chịu nhiệt và đề kháng với một số hóa chất khử trùng.

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị đối với bệnh than nên ngoài điều trị kháng sinh khi mắc bệnh thì các viện khoa học, y học thế giới cũng đã điều chế ra các loại vắc-xin phòng bệnh. Những người làm việc trong khu vực, lĩnh vực có nguy cơ cao mắc bệnh sẽ được hỗ trợ tiêm vaccine hàng năm.

Hiện, giới chức đã triển khai nhiều hoạt động ngăn chặn dịch lây lan. Bộ Y tế yêu cầu Điện Biên theo dõi chặt chẽ sức khỏe của người tham gia giết mổ và sử dụng nguồn thịt với các bệnh nhân trên. Đồng thời, tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi; xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch.

Bệnh than lây qua vết thương hở khi tiếp xúc với động vật bị bệnh; hoặc tiêu thụ thịt cũng như sản phẩm từ động vật mắc bệnh; hít phải vi khuẩn.

“Nếu ăn thịt sống hoặc chưa chín kỹ từ những gia súc mắc bệnh than, nguy cơ lây nhiễm qua đường tiêu hóa là rất cao. Ngoài ra, đường lây theo hô hấp hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, tỷ lệ tử vong 90% nếu không được điều trị kịp thời”, CDC Điện Biên cảnh báo.

Để phòng bệnh, người dân được khuyến cáo không tiếp xúc, giết mổ và ăn thịt gia súc mắc bệnh. Người thường xuyên tiếp xúc vật nuôi bị ốm chết (không rõ nguyên nhân) nên mang ủng, găng tay cao su, quần dài và áo sơ mi dài tay; tránh vùng da hở, da bị tổn thương tiếp xúc với gia súc.

Sau khi tiếp xúc vật nuôi, mọi người phải rửa tay và bất kỳ chỗ da nào hở ra bằng xà phòng dưới vòi nước. Khi người trong gia đình có biểu hiện mắc bệnh than, cần đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời cứu chữa.

Khánh Vy (t/h)