‘Điệp khúc’ nợ lương y bác sĩ BV Tuệ Tĩnh – Nhận lương bằng các khoản nợ?
- Minh Ngọc - Nguyễn Quân
- •
Khác với lần đầu xuống đường kêu cứu vì bị nợ lương, ngay trong ngày đầu tiên của đợt biểu tình lần 2, các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) đã được Ban giám đốc báo sẽ trả 2 tháng nợ lương. Số tiền từ nguồn “tạm ứng” của Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam. Các y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho rằng đây là “tiền vay” và phản đối cách giải quyết “từ ngọn” này.
Tối 23/3, gần 100 y bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh bị nợ lương tháng 2 và tháng 3 đã nhận được lương bị nợ, báo Tuổi Trẻ ngày 24/3 đưa tin.
Trong liên tiếp 3 ngày qua, từ ngày 21-23/3, hàng chục y bác sĩ, nhân viên của bệnh viện này đã biểu tình sau giờ làm, trước cổng bệnh viện với các băng rôn, biểu ngữ yêu cầu được trả lương, yêu cầu ban giám đốc thực hiện đúng hợp đồng làm việc, yêu cầu giám đốc Học viện từ chức, đề nghị Chính phủ thanh tra quy trình tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh…
Trao đổi với báo chí trong nước, ông Nguyễn Quốc Huy – Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết ngày 23/3, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã ký quyết định trả lương tháng 2 và 3/2022 cho các nhân viên y tế của bệnh viện.
Nguồn tiền để trả do Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam tạm ứng, theo quyết định của lãnh đạo học viện này vào ngày 18/3, lấy từ quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp kết dư của Học viện – ông Huy cho hay.
“Sắp tới bệnh viện sẽ có thay đổi về nhân sự để giúp bệnh viện phát triển một cách tự chủ, bền vững hơn. Học viện đã hoàn thiện thủ tục giới thiệu nhân sự, xin ý kiến Bộ Y tế” – ông Huy hứa, dẫn theo Tuổi Trẻ. Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi như thế nào không được ông Huy nêu rõ.
Nhân viên bệnh viện mệt mỏi vì điệp khúc mượn nợ để trả nợ
Thông tin tiền lương nợ đọng của các nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh sẽ được trả bằng tiền tạm ứng từ Học Viện là không mới. Vào ngày đầu trong đợt biểu tình thứ 2, ngày 21/3, ông Huy đã xác nhận với báo VOV rằng Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam sẽ tạm ứng để Bệnh viện Tuệ Tĩnh trả lương tháng 2 và 3/2022, như đã từng tạm ứng để bệnh viện này trả số tiền lương nợ đọng nhân viên đến hết tháng 1/2022 (8 tháng), chi phúc lợi (tiền Tết,…) đến hết ngày 2/2.
“Về vấn đề trả lương, trước tình hình tháng 2, tháng 3/2022, Bệnh viện chưa có nguồn để trả lương…” – ông Huy nói với VOV vào chiều 21/3.
Vào chiều 22/3, chị Lê Thanh Bình – Tổ trưởng Tổ Công đoàn 1 Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay mọi người đã biết việc bệnh viện sẽ trả lương tháng 2 và 3. Bày tỏ quan điểm về việc này, tấm băng rôn “Chúng tôi không muốn đi ăn xin từng tháng” được mọi người in lớn và giữ thẳng trong suốt vài giờ xuống đường.
“Sau khi có thông tin chúng tôi sẽ xuống đường, tiếp tục đứng thế này thì có công văn của Học viện sang, nói sẽ cho bệnh viện chúng tôi vay tiền để trả lương. Nhưng một câu hỏi chúng tôi muốn hỏi ban lãnh đạo là tại sao chúng tôi phải vay khi chúng tôi là những người đi làm thật, đã sử dụng sức lao động của mình để phục vụ đơn vị, mà tại sao chúng tôi lại phải vay mà không phải là trả cho chúng tôi? Chúng tôi muốn hỏi ban lãnh đạo là vay như thế thì ai sẽ đứng ra vay và chịu trách nhiệm về khoản vay đó? Vì chúng tôi không thể chỉ đi làm cả đời để đi vay được.
Chúng tôi yêu cầu khi đã ký kết hợp đồng thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm đối với chúng tôi, phải trả tối thiểu là lương, chưa kể các phúc lợi xã hội khác cho tất cả các cán bộ đang lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh”, chị Bình nói.
Chị Bình cho hay Bệnh viện Tuệ Tĩnh là một trong ba đơn vị trực thuộc Học viện Y học cổ truyền Việt Nam. Từ tháng 6/2019, ban lãnh đạo học viện tự đi xin cơ chế tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh mà không họp bàn, thương thảo với nhân viên công chức tại bệnh viện. Sáu tháng sau khi nhận quyết định tự chủ, cuộc sống của các nhân viên đã giảm sút rồi. Tháng 12/2019, qua thảo luận lấy ý kiến, 88% nhân viên không đồng ý với phương án tự chủ mà lãnh đạo tự ý đi “xin” về cho bệnh viện [con số đúng là 84,32% – chú thích].
“Chính việc tự chủ chưa hợp lý, chưa đúng thời điểm đã gây ra hậu quả, lại 100% rơi vào hệ thống nhân viên, vì các lãnh đạo của bệnh viện lại kiêm nhiệm, ví dụ như từ Học viên sang hoặc từ các khối phòng ban khác sang để làm lãnh đạo, không cùng chung quyền lợi với các nhân viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh, được nhận lương thưởng đầy đủ và chỉ làm kiêm nhiệm mà thôi.
Còn các nhân viên thì không có lương chứ chưa nói đến thưởng. Điều này gây nên quan hệ bất bình đẳng giữa người sử dụng lao động là lãnh đạo bệnh viện với các nhân viên”, chị Bình nói rõ.
Các nhân viên của Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết trước Tết, cùng với khoản nợ lương trong 8 tháng được trả, các nhân viên được báo sẽ tái cơ cấu bệnh viện, sắp xếp lại đội ngũ nhân viên. Nhưng sau Tết, không chỉ 2 tháng lương bị nợ 100% mà các kế hoạch vẫn chưa có dấu hiệu được thực hiện.
“Giờ mọi người muốn không chỉ là lương, mà ban lãnh đạo cần có động thái nói rõ con đường tự chủ này sẽ như thế nào, mọi thứ sẽ thay đổi như thế nào để mọi người yên tâm. Chứ đến thời điểm hiện tại là mình chưa thấy có gì thay đổi cả” – chị Minh – Khoa Châm cứu Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho hay. Cùng các đồng nghiệp, tay chị giơ lên tờ giấy in dòng chữ: “Đề nghị Chính phủ thanh tra quy trình tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh”.
Cùng chia sẻ, anh Chu Thanh Bình – Khoa Dược cho hay vẫn mong muốn bệnh viện phát triển hơn, dù có vất vả anh vẫn cam tâm tình nguyện.
“Nói về niềm tin dành cho ban lãnh đạo thì thật sự xuống thấp nhất từ trước đến nay rồi. Thôi thì mình cũng mong ban giám đốc hãy quan tâm và tìm ra hướng giải quyết cho mọi người được tốt hơn”, anh Bình nói.
Chị Bình – Tổ trưởng Tổ Công đoàn 1 Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết Bệnh viện Tuệ Tĩnh không đủ năng lực để thành một bệnh viện tự chủ được. Vì Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ là một đơn vị thực hành cho trường Học viện Y học cổ truyền Việt Nam đào tạo y bác sĩ, các y bác sĩ về học tập để nâng cao tay nghề chứ không phải là một bệnh viện có thể sử dụng nguồn lực khám chữa bệnh để tạo ra nguồn thu, trả lương cho nhân viên.
“Chúng tôi không nghĩ rằng sau tháng 1/2022 mà vẫn tiếp tục để xảy ra tình trạng thế này, buộc chúng tôi phải đặt ra câu hỏi: Chuyện gì đang xảy ra đây? Có khúc mắc gì không thể giải quyết khiến chúng tôi một lần nữa, thật sự là xấu hổ khi những trí thức phải xuống đường để cầu cứu dư luận xã hội”, chị Bình đặt câu hỏi.
Trong đơn kêu cứu gửi báo Lao động Thủ đô vào năm 2020, các cán bộ, viên chức, người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh cho biết Bệnh viện Tuệ Tĩnh không đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên. “Đến cuối năm 2019, bệnh viện đang âm 3 tỷ 917 triệu đồng và hiện đang vay Học viện 8 tỷ đồng để chi trả lương. Đến nay, bệnh viện không còn khả năng chi trả lương cho cán bộ, nên thường xuyên chi trả chậm. Thậm chí, không có tiền để chi trả các chế độ phúc lợi xã hội đã được quy định trong hợp đồng lao động và trong Quy chế chi tiêu nội bộ như: Tiền ngày nhà giáo, tiền khai giảng, tiền độc hại cho lao động hợp đồng…” – theo nội dung phản ánh. Tháng 1/2022, Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam đã cho bệnh viện này vay 10,2 tỷ đồng để trả số nợ 50% lương trong 8 tháng của 157 nhân viên (từ tháng 5/2021 đến 1/2022). Trong lần trả nợ lương vào cuối tháng 3 này, Bệnh viện Tuệ Tĩnh tiếp tục vay 2,3 tỷ đồng của học viện để trả lương tháng 2 và 3 cho các nhân viên. |
Minh Ngọc – Nguyễn Quân
Từ khóa Bệnh viện Tuệ Tĩnh nhân viên y tế bị nợ lương