‘Cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại thị trường quan trọng như Trung Quốc’
- Văn Duy - Trần Tâm
- •
Bộ trưởng VH-TT&DL cho biết nguyên nhân du lịch tăng trưởng thấp là do lượng khách Trung Quốc giảm. Bộ trưởng cho rằng giải pháp là cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại thị trường quan trọng như Trung Quốc.
Chiều ngày 5/6, Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đăng đàn chất vấn. Có 61 đại biểu đăng ký phát biểu.
Các vấn đề đặt ra cho bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch Nguyễn Ngọc Thiện là quản lý, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa, quản lý nguồn thu từ các khu di tích, danh lam thắng cảnh; quản lý hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, phòng ngừa mê tín dị đoan; đầu tư xây dựng và quản lý các công trình tâm linh, quản lý nguồn thu từ hoạt động tín ngưỡng, du lịch tâm linh, công tác quản lý và phát triển du lịch…
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) chất vấn “tổng thể tính cạnh tranh của du lịch VIệt Nam chỉ đứng thứ 67, đâu là nút thắt để du lịch Việt Nam chưa thể cất cánh và giải pháp nào để cải thiện thứ hạng cho du lịch Việt Nam?”.
Trả lời, Bộ trưởng cho biết năm 2017, Việt Nam xếp hạng trung bình là ở vị trí 67 với nhiều điểm mạnh như tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên văn hoá, sức cạnh tranh về giá. Tuy nhiên, nước ta còn có những chỉ số thấp so với nhiều nước trong khu vực như hạ tầng du lịch, mức độ ưu tiên cho ngành du lịch, mức độ mở cửa quốc tế, thị thực,…
Về việc ngành du lịch tăng trưởng thấp, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân là do lượng khách Trung Quốc giảm, 5 tháng gần như không tăng trong khi các năm trước tăng gần 30%. Do đó, giải pháp là đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến tại thị trường quan trọng như Trung Quốc.
Hiện du lịch đạt 9,5%, trong khi mục tiêu là 10% GDP. Do đó, về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng cần khắc phục hạn chế của du lịch Việt Nam, đặc biệt là năng lực cạnh tranh, công tác quảng bá xúc tiến, hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, quản lý nhà nước về du lịch.
Khách du lịch Việt Nam bỏ trốn là vết nhơ của ngành du lịch
Đại biểu Châu Quỳnh Dao (Kiên Giang) chất vấn việc du khách bỏ trốn tại Đài Loan, trách nhiệm thuộc về ai, giải pháp nào ngăn chặn?.
Bộ trưởng cho hay trách nhiệm trên thuộc cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương và địa phương còn chưa tốt, hành vi lừa đảo của doanh nghiệp.
“Khách du lịch bỏ trốn là vết nhơ của du lịch Việt Nam,… Bài học đặt ra là khi cấp phép doanh nghiệp lữ hành quốc tế cần quan tâm, vừa đảm bảo thủ tục hành chính thông thoáng nhưng hậu kiểm, quản lý thế nào, tiêu chí nào? Do đó tăng công tác quản lý nhà nước về cấp phép, tăng thanh kiểm tra công ty lữ hành du lịch trong thực thi nhiệm vụ, xử lý vi phạm công ty du lịch. Khách du lịch cũng nên chọn công ty có uy tín và năng lực” – Bộ trưởng Thiện nói.
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) đặt câu hỏi liên quan đến việc Bộ VH-TT&DL không thừa nhận du lịch tâm linh, vậy việc thương mại hoá du lịch tâm linh, tạm gọi là các công trình “chùa BOT” thì liệu có cán bộ công chức đóng cổ phần hay không? Bộ trưởng Thiện cho rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần xử lý theo quy định pháp luật. “Bộ VHTT-DL chỉ quản lý văn hoá, tâm linh, còn quản lý tôn giáo là trách nhiệm của Bộ Nội vụ. Bộ Văn hóa hiện chưa có thông tin về việc quan chức góp tiền xây dựng chùa nên đề nghị đại biểu nếu có thông tin chính xác thì cung cấp” – Bộ trưởng nói. Ngoài ra, liên quan câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về vấn đề hiện có hiện tượng kinh doanh chùa, đền hay không? Bộ trưởng cũng khẳng định hiện chưa có thông tin liên quan. |
Văn Duy – Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa Du lịch Trung Quốc Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện