Dữ liệu cá nhân bị các doanh nghiệp thu thập, đưa cho bên thứ ba, từ đó bán cho các bên khác. Số lượng dữ liệu mua bán bị phát hiện lên tới hàng nghìn GB, trong đó có nhiều dữ liệu nội bộ, nhạy cảm.

hang nghin gb du lieu ca nhan bi ban
Thông tin cá nhân bị doanh nghiệp thu thập, phân loại, làm lộ lọt ra ngoài theo nhiều đường. (Ảnh minh họa: Nichcha/Shutterstock)

Thông tin trên do Bộ Công an công bố trong buổi hội thảo do Bộ Công an phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia và Cục an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tổ chức ngày 5/6. Bộ Công an đạng vận động cho Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân do bộ này chủ trì.

Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho biết tình trạng lộ dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng. Việc mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến, công khai, với các dữ liệu thô và dữ liệu cá nhân đã qua xử lý…

Lý giải về nguyên nhân lộ, lọt dữ liệu cá nhân, ông Chính cho rằng người sử dụng chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân, đăng tải công khai hoặc lộ trong quá trình chuyển giao, lưu trữ, trao đổi phục vụ hoạt động kinh doanh hoặc do biện pháp bảo vệ không tương xứng dẫn tới bị chiếm đoạt và đăng tải công khai.

Đồng thời, các doanh nghiệp, công ty kinh doanh dịch vụ có thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng, cho phép các đối tác thứ ba tiếp cận thông tin dữ liệu cá nhân nhưng không có yêu cầu, quy định chặt chẽ để đối tác thứ ba chuyển giao, buôn bán cho đối tác khác.

Dữ liệu bị đánh cắp bài bản

Theo Cục trưởng Cục An ninh mạng, các doanh nghiệp chủ động thu thập thông tin cá nhân của khách hàng, hình thành kho dữ liệu cá nhân, phân tích, xử lý các loại dữ liệu để tiến hành kinh doanh, buôn bán.

Việc buôn bán dữ liệu cá nhân được tiến hành có hệ thống, có tổ chức, cam kết “bảo hành” và có khả năng cập nhật dữ liệu, trích xuất dữ liệu theo yêu cầu người mua.

Đặc biệt, nhiều dữ liệu bị rao bán công khai, trong thời gian dài, với số lượng lớn. Việc mua bán không chỉ diễn ra đơn lẻ, giữa cá nhân với cá nhân, mà còn có sự tham gia của các công ty, tổ chức, doanh nghiệp.

Một số công ty xây dựng các phần mềm chuyên thu thập thông tin cá nhân, cài ẩn trong các trang mạng thu thập tự động, phân tích thành tệp dữ liệu cá nhân có giá trị; tán phát mã độc; tổ chức tấn công, xâm nhập hệ thống máy tính của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để chiếm đoạt dữ liệu cá nhân…

Trung tướng Chính cho biết số lượng dữ liệu cá nhân bị thu thập, mua bán trái phép phát hiện được lên tới hàng nghìn GB dữ liệu, trong đó có nhiều dữ liệu cá nhân nội bộ, nhạy cảm. Có 16 vụ việc lộ mất, rao bán thông tin, bí mật nhà nước và dữ liệu nội bộ trên không gian mạng được tiến hành điều tra trong năm 2023, đại diện Bộ Công an cho hay.

Theo FPT, 1GB có thể chứa khoảng 1 tỷ byte dữ liệu. Có 1GB dung lượng lưu trữ, đồng nghĩa với khả năng lưu trữ khoảng 1 tỷ ký tự hoặc byte dữ liệu. Theo so sánh, 1GB xấp xỉ bằng 18 giờ nhạc MP3 (tốc độ 128 kbit/s).

Ngày 5/1, tại lễ kỷ niệm 3 năm thành lập dự án Chống lừa đảo, ông Nguyễn Minh Hiếu (thường gọi là Hiếu PC), chuyên gia tại Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) – người sáng lập dự án cho hay Việt Nam có nhiều giải pháp, những ứng dụng lừa đảo, các trang web, áp dụng trí tuệ nhân tạo AI, truy vết và truy quét, sản phẩm an toàn thông tin cũng không thiếu, nhưng thông tin khách hàng từ các doanh nghiệp vẫn bị mua bán trên mạng.

“Chính nhân viên bán dữ liệu ra ngoài chứ không có hacker nào cả. Doanh nghiệp cần bảo toàn thông tin để không mất uy tín khách hàng, uy tín của chính doanh nghiệp, kể cả tránh những kiện tụng về sau…” – ông Hiếu khẳng định.

Ngày 20/6/2023, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an Đà Nẵng cho biết nhiều nhân viên của 13 ngân hàng thương mại đã bị triệu tập do nghi ngờ bán thông tin tài khoản của khách hàng, giá bán dao động từ 200.000 đồng đến 1,9 triệu đồng/tài khoản.

Minh Sơn