Dư luận phản ứng về quyết định học tiếng Trung, Bộ GD đề nghị điều tra
- Minh Long
- •
Với những ý kiến phản đối từ dư luận về quyết định SGK có môn tiếng Trung, Bộ GD&ĐT cho rằng đó là “xuyên tạc” và đề nghị điều tra.
Theo Bộ GD&ĐT, ngày 1/12/2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định số 4119/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt sách giáo khoa các môn học, hoạt động giáo dục lớp 5 và sách giáo khoa tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
“Đây là hoạt động bình thường, theo đúng kế hoạch thẩm định, phê duyệt danh mục sách giáo khoa các môn Ngoại ngữ trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Bộ này khẳng định.
Năm 2022, cùng với tiếng Anh, Bộ GD&ĐT đã phê duyệt sách giáo khoa tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp lớp 3 để sử dụng trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
Năm 2023, đợt 1 sẽ phê duyệt các sách giáo khoa của lớp 5, trong đó có 10 bản sách tiếng Anh và các môn học khác cùng với tiếng Trung Quốc lớp 3, lớp 4.
Dự kiến, trong tháng 12/2023, Bộ GD&ĐT tiếp tục phê duyệt sách giáo khoa của các môn tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Pháp và tiếng Nga.
Trước quyết định trên, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều.
Có luồng ý kiến đồng ý với quyết định của Bộ vì Việt Nam có các hoạt động kinh tế, văn hóa với Trung Quốc thì việc học tiếng Trung là cần thiết; Tiếng Anh là phổ thông hàng ngày rồi, Tiếng trung cũng cần phải biết…
Tuy nhiên, có luồng ý kiến phải đối bởi họ cho rằng “Tiếng Anh là tiếng phổ thông chứ không phải tiếng Trung, Việt Nam dạy tiếng Trung có lạc hậu quá không? Bộ có mục đích nào khác?”; “1000 năm đô hộ giặc Tàu, nay đã quay trở lại”; “Nền giáo dục Việt Nam sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước bây giờ đã xác định học môn ngoại ngữ bắt đầu từ lớp ba cấp tiểu học là tiếng Tàu. Một quyết định hết sức ngu xuẩn trong nền giáo dục Việt Nam…”.
Trước những luồng ý kiến phản đối trên, Bộ cho rằng là “xuyên tạc” và đề xuất phải điều tra, xử lý bởi “ảnh hưởng tiêu cực tới chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa; nỗ lực dạy và học môn ngoại ngữ trong các trường phổ thông và gây tâm lý hoang mang trong xã hội”.
Ngoài ra, khi thông tin lan truyền, nhiều phụ huynh thắc mắc liệu tiếng Trung có phải môn học bắt buộc từ lớp 3 hay không. Theo hướng dẫn của Bộ, các trường dựa trên điều kiện thực tế và nhu cầu của học sinh, phụ huynh, chọn một trong số các ngoại ngữ nói trên để giảng dạy.
Từ khóa sách giáo khoa Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếng Trung xuyên tạc