Đường sắt cao tốc Bắc Nam: Chính phủ kiến nghị không kéo dài đến Cà Mau
- Kim Long
- •
Đại biểu Quốc hội đề nghị nên kéo dài tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đến Cần Thơ. Tuy nhiên, Chính phủ kiến nghị giữ nguyên như dự thảo nghị quyết.
- Bình Định muốn chuyển hơn 250 ha rừng để làm cao tốc Bắc Nam
- Giá vé đường sắt cao tốc Bắc Nam dự kiến bằng 75% giá vé máy bay
- Bộ GTVT: Đường sắt tốc độ cao Bắc Nam ‘nắn tuyến’ qua Nam Định mang lợi 400 triệu USD
Không kéo dài đến Cà Mau
Trước đó, ngày 13/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (đoàn TP.HCM) đề xuất kéo dài thêm tuyến đường sắt đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là đến Cần Thơ.
Bà Hạnh lý giải rằng khu vực miền Tây có lượng hành khách vận tải rất đông, nhưng hiện tại chưa có nhiều tuyến đường bộ và đường sắt cao tốc. Tình trạng ùn tắc giao thông ở miền Tây, đặc biệt vào dịp lễ, Tết, rất nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây, nên việc kéo dài tuyến đường sắt đến đây sẽ mang lại nhiều lợi ích.
Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội về nội dung trên, Chính phủ cho biết theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã hoạch định phát triển các tuyến đường sắt mới trên hành lang Bắc – Nam từ Lạng Sơn đến Cần Thơ, chiều dài khoảng 1.871km, gồm 3 tuyến: Lạng Sơn – Hà Nội, Hà Nội – TP.HCM và TP.HCM – Cần Thơ.
“Các tuyến đường sắt từ Lạng Sơn – Cần Thơ có nhu cầu vận tải khác nhau nên tiêu chuẩn kỹ thuật và loại hình đường sắt cũng khác nhau”, báo cáo cho hay.
Trong đó, tuyến Lạng Sơn – Hà Nội là loại hình đường sắt thường, đang lập quy hoạch chi tiết để huy động nguồn vốn đầu tư.
Tuyến Hà Nội – TP.HCM là loại hình đường sắt tốc độ cao.
Tuyến TP.HCM – Cần Thơ là loại hình đường sắt thường, đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu tư trước năm 2030.
Do đó, Chính phủ kiến nghị giữ nguyên phạm vi dự án từ Hà Nội – TP.HCM như dự thảo nghị quyết.
Giữ nguyên hướng tuyến đường sắt qua Nam Định
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam đi qua 20 tỉnh thành, trong đó ga phía Bắc lần lượt là Ngọc Hồi (Hà Nội), Phủ Lý (Hà Nam), Nam Định và Ninh Bình.
Tại Nam Định, nhà ga dự kiến đặt tại xã Mỹ Hưng, huyện Mỹ Lộc, cách ga Nam Định của tuyến đường sắt hiện hữu ở trung tâm thành phố khoảng 7 km.
Nếu hướng tuyến và vị trí nhà ga được thông qua thì tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam sẽ bị gấp khúc ở Nam Định, không được “thẳng nhất có thể”.
Trước đề nghị xem xét lại hướng tuyến đường sắt tốc độ cao qua TP. Nam Định, Chính phủ cho biết với vai trò là trung tâm phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ, TP. Nam Định có quy mô dân số quy hoạch đến năm 2040 khoảng 600.000 dân, là đầu mối giao thông có nhu cầu vận tải lớn.
Vùng hấp dẫn các địa phương lân cận trong khu vực Đồng bằng sông Hồng như Thái Bình, Hưng Yên… lên đến khoảng 4 triệu người.
Theo dự báo, đến năm 2050 nhu cầu đi và đến ga Nam Định khoảng gần 3 triệu khách/năm.
Nếu tính chi phí đầu tư và vận hành khai thác trong 30 năm, đoạn tuyến qua Nam Định (12km) sẽ có chi phí khoảng 1,66 tỷ USD, lợi ích thu được ước đạt 2,06 tỷ USD.
Do đó, Chính phủ kiến nghị giữ nguyên hướng tuyến trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam bắt đầu tại TP. Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP.HCM (ga Thủ Thiêm), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố; chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.
Quy mô đầu tư gồm xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tải trọng 22,5 tấn/trục; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (tương đương khoảng 67,34 tỷ USD).
20 tỉnh thành phố mà tuyến cao tốc đi qua gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP.HCM.
Kim Long
Từ khóa Bộ GTVT đường sắt đường sắt tốc độ cao dự án đường sắt Quốc hội chính phủ