Đường sắt Cát Linh – Hà Đông chưa thể vận hành vào đầu tháng 4
- Kim Long
- •
Tổng giám đốc HaNoi Metro Vũ Hồng Trường khẳng định cơ quan chức năng chưa từng có tuyên bố về thời gian chính thức vận hành của tuyến Cát Linh – Hà Đông vào ngày 1/4.
Tại Hội nghị thông tin báo chí do Thành ủy Hà Nội vừa tổ chức, Ông Vũ Hồng Trường – Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) khẳng định chưa có bất cứ tuyên bố nào của các cơ quan chức năng về thời gian chính thức vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
“Thành phố hay công ty chúng tôi chưa bao giờ phát ngôn tàu có thể chở khách từ 1/4. Hiện còn một số hạng mục chưa hoàn thiện như hệ thống kiểm vé tự động AFC và thang cuốn chưa có mái che” – ông Trường nói và cho biết khó xác định được thời điểm chính xác tàu vận hành vì cần trải qua nhiều đợt kiểm định, giám sát.
Ông Trường cũng cho hay do tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông là dự án trọng điểm quốc gia nên sẽ có Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước để nghiệm thu công trình, trang thiết bị và cả nhân lực. Ngoài ra, cơ quan chuyên gia độc lập của Pháp sẽ kiểm định chất lượng của công trình trước khi chính thức đưa vào chạy thử.
Về phương án giá vé, ông Vũ Hồng Trường cho biết ngày 5/3, UBND TP. Hà Nội đã họp thông qua phương án giá vé, hiện đang được lấy ý kiến đóng góp của công dân trên cổng giao tiếp điện tử Hà Nội.
Cụ thể, giá vé gồm vé lượt (vé chặng) được tính theo khoảng cách đi lại thực tế giữa các ga, gồm giá mở cửa 7.000 đồng + đơn giá 600 đồng x khoảng cách đi lại (km). Vé tháng có 2 loại gồm loại 200.000 đồng/tháng và loại 100.000 đồng/tháng. Ngoài ra, còn có vé ngày giá vé 30.000 đồng/ngày, không giới hạn số lượt đi và được tính từ thời điểm mua đến thời điểm đóng tuyến.
Theo ông Vũ Hồng Trường, phương án giá vé trên được xây dựng dựa trên 5 tiêu chí: Thu nhập người dân và khả năng chi trả; sự cạnh tranh với các phương tiện khác; khảo sát chi phí người dân; cân đối chi phí vận hành và khả năng trợ giá của ngân sách Nhà nước.
So với giá vé xe buýt cùng hạng thì mức giá đường sắt đô thị như trên cao hơn 1,57 lần, nhưng tốc độ di chuyển lại nhanh hơn 2,1 lần so với xe buýt (không kể xe buýt bị tắc đường).
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông có chiều dài 13,5 km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến gồm 12 ga và 1 khu Depot. Chủ đầu tư là Bộ GTVT, đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đường sắt, Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc làm nhà thầu.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 8.770 tỷ đồng (552,86 triệu USD), sau đó tăng lên 18.002 tỷ đồng (868 triệu USD), trong đó, vốn vay ODA của Trung Quốc là 13.867 tỷ đồng (669,62 triệu USD) và vốn đối ứng là 4.134 tỷ đồng (198,43 triệu USD).
Dự án khởi công từ tháng 10/2011. Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10/2017, đưa vào khai thác thương mại vào cuối quý 1, đầu quý 2/2018.
Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ do nguồn vốn vay bổ sung được rót chậm. Từ tháng 9/2018, 13 đoàn tàu đã chạy thử, tốc độ trung bình 35km/giờ. Bộ GTVT yêu cầu dự án vận hành thương mại vào trước Tết Nguyên đán 2019 song cũng không thực hiện được.
Giữa tháng 2/2019, Bộ cho biết Tổng thầu Trung Quốc đề xuất kết thúc chạy thử dự án vào cuối quý I/2019 và đưa vào vận hành thương mại toàn tuyến từ tháng 4/2019.
Tại các nhà ga có bố trí các thiết bị như thang máy (phục vụ người khuyết tật), thang cuốn (chiều lên nhà ga), thang bộ (chiều từ nhà ga đi xuống). 13 đoàn tàu, mỗi đoàn tàu có 4 toa, mỗi toa chở được 240 hành khách, mỗi chuyến chở được 960 hành khách.
Thời gian vận hành từ 5h đến 23h hàng ngày, tần suất vào giờ cao điểm 5-6 phút/chuyến, giờ bình thường 10 phút/chuyến; vận tốc khai thác bình quân 35km/giờ, như vậy thời gian từ Cát Linh đến Hà Đông bình quân 23 phút.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa Hà Nội đường sắt Cát Linh - Hà Đông Vũ Hồng Trường