Giá đỗ ủ hóa chất vào Bách hóa Xanh: Bộ Công Thương nói ‘không thuộc trách nhiệm’
- Minh Sơn
- •
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất đã bán ra thị trường trong năm 2024 tại Đắk Lắk là thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm, ngành này chỉ kiểm soát lưu thông.
- 2.900 tấn giá đỗ ngâm chất cấm bán ra thị trường: Cơ quan quản lý ở Đắk Lắk nói gì?
- 6 cơ sở sản xuất giá đỗ ngâm hóa chất bị tạm dừng hoạt động
Tại họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Công Thương diễn ra vào chiều ngày 7/1, phóng viên đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường trong vụ việc phát hiện gần 3.000 tấn giá đỗ ngâm hóa chất đã bán ra thị trường trong năm 2024 tại Đắk Lắk, trong đó có hệ thống phân phối lớn là Bách hóa Xanh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết vấn đề này thuộc trách nhiệm của ngành nông nghiệp, lĩnh vực an toàn thực phẩm. Đối với ngành công thương, thì trách nhiệm là “theo dõi lưu thông”, chất lượng được “rà soát” bằng cách phối hợp với các cơ quan liên ngành.
“Lực lượng quản lý thị trường chịu trách nhiệm theo dõi lưu thông và phối hợp với các cơ quan liên ngành để rà soát. Về vụ việc 3.000 tấn giá đỗ nhiễm hóa chất vừa qua, Bộ Công Thương đã yêu cầu cơ quan quản lý thị trường theo dõi chặt để kiểm soát” – Thứ trưởng Tân nói.
Ngày 30/12/2024 vừa qua, UBND tỉnh Đắk Lắk đã gửi văn bản yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Sở Công Thương, Sở Y tế, Công an tỉnh và UBND TP. Buôn Ma Thuột liên quan đến vụ việc hàng nghìn tấn giá đỗ ủ hóa chất 6- Benzylaminopurine vừa bị phát hiện.
Theo UBND tỉnh này, các cơ quan chức năng chưa thể hiện rõ trách nhiệm, có tình trạng “đá bóng” trách nhiệm.
Ngày 28/12, báo Tiền Phong dẫn lời ông Đỗ Tuấn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Chất lượng Nông lâm và Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk) xác nhận đơn vị này đã cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho Công ty TNHH Thương mại Lâm Đạo (buôn Kô Tam, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) – cơ sở đã ký hợp đồng với Bách hóa Xanh, cung cấp từ 350 – 400kg giá đỗ/ngày.
Công ty Lâm Đạo là một trong 6 cơ sở bị phát hiện dùng chất kích thích tăng trưởng ủ giá đỗ, song trên bao bì được cấp phép ghi “Vì sức khỏe của mọi người”, “không hóa chất”, “không chất kích thích”, “không chất bảo quản”.
Tại Giấy chứng nhận được cấp vào ngày 22/4/2024, cơ sở Lâm Đạo được chứng nhận “đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất, kinh doanh sản phẩm: Sơ chế, đóng gói, kinh doanh giá đậu xanh”.
Ông Hưng lý giải đơn vị chỉ quản lý từ khâu sơ chế, đóng gói giá đậu xanh, tức từ lúc giá đỗ đã hình thành, được mang đi sơ chế (rửa), và đóng gói; còn từ lúc hạt đậu xanh được ngâm, ủ để lên mầm thành cây giá là công đoạn sản xuất, đơn vị không quản lý; khâu sản xuất thuộc về trồng trọt.
Tại thời điểm kiểm tra, ngày 15/12/2024, tại 6 cơ sở sản xuất giá đỗ gồm: 2 cơ sở của Lâm Văn Đạo; 2 cơ sở của Vũ Duy Tư (SN 1991, trú tại Tổ dân phố 8, phường Tân Hòa); 1 cơ sở của Nguyễn Văn Quynh (SN 1973, trú tại Tổ dân phố 6, phường Tân Hòa) và 1 cơ sở của Nguyễn Văn Hảo (SN 1988, trú tại Tổ dân phố 1, phường Tân Hòa), Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ hơn 20,3 tấn giá đỗ ngâm hoạt chất 6-Benzylaminopurine, có giá bán ra khoảng 400 triệu đồng. Ngoài ra, công an thu giữ 37 can nhựa chứa 135l hoạt chất 6-Benzylaminopurine.
Nhóm này khai trong năm 2024 đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine, trung bình khoảng từ 8-10 tấn/ngày.
Trong đó, Công ty Lâm Đạo ký hợp đồng với Bách hóa Xanh, cung cấp từ 350-400 kg/ngày.
6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường, tan trong dimethylfornamide, dimethyl sulfoxide, tan trong dung dịch nước vôi (Na2CO3). Đối với thực vật, benzylaminopurine có ba tác dụng (1) kích thích cây phát triển, ra nhánh, đâm chồi, (2) tăng cường ra hoa và làm trái cây to hơn nhờ kích thích phân chia tế bào, (3) Tăng đề kháng với bệnh, hạn hán, lạnh, hoặc nồng độ muối cao và (4) Do benzylaminopurine có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật nên sau thu hoạch cho phun nồng độ từ 10 đến 15 ppm, sản phẩm vẫn giữ được màu sắc và tươi xanh lâu hơn. Theo kết quả khảo sát trên động vật, 6-benzylaminopurine gây độc tính cấp, ăn vào lượng lớn 6-benzylaminopurine có thể gây tử vong; nếu tiếp xúc hít, qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh. Trên cơ thể con người, nếu 6-benzylaminopurine văng vào mắt sẽ gây viêm kết mạc; dính vào da gây viêm da, làm nặng thêm bệnh lý da; nếu hít gây tổn thương phổi, viêm phổi, làm nặng thêm các bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản mãn tính, COPD, xơ phổi…. Theo TS.BS Trần Bá Thoại (Hội Nội tiết Việt Nam) – Báo Dân Trí ngày 22/05/2016 |
Minh Sơn
Từ khóa Bách Hóa Xanh giá đỗ ngâm hóa chất