Sau khi đơn vị hành chính cấp huyện bị giải thể, cấp xã sẽ có trung tâm hành chính công để giải quyết thủ tục hành chính; một số cán bộ huyện hoặc có thể từ tỉnh sẽ về xã…, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn.

bo truong tran van son
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3, ngày 6/4. (Ảnh: Nhật Bắc/baochinhphu.vn)

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết sẽ tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp xã.

Theo đó, sẽ kết thúc chính quyền địa phương cấp quận, huyện. Các thủ tục hành chính trước đây liên quan đến người dân, doanh nghiệp cấp huyện được chuyển về cấp xã để giải quyết. Trong mô hình tổ chức chính quyền địa phương cấp xã sắp tới sẽ có một trung tâm phục vụ hành chính công để giải quyết các thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, bao gồm các ứng dụng công nghệ thông tin liên quan để giải quyết thỏa đáng cho người dân, doanh nghiệp.

Vẫn theo ông Sơn, một số cán bộ huyện hoặc có thể từ tỉnh sẽ về xã. Các nhiệm vụ, quyền hạn của cấp huyện “cơ bản chuyển về cấp xã”. 

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết Bộ Nội vụ được giao xây dựng đề án trình Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về  việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương hai cấp; đồng thời, xây dựng dự thảo Luật Chính quyền địa phương sửa đổi và các văn bản hướng dẫn có liên quan để thực hiện mô hình chính quyền hai cấp này.

Bộ Nội vụ đã đề xuất các quy định theo hướng sau khi giải thể cấp huyện, thì chính quyền địa phương cấp xã ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn như hiện nay sẽ đảm nhiệm thêm nhiệm vụ quyền hạn của cấp huyện. Chính quyền địa phương cấp xã sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn, đổi mới cả về tổ chức bộ máy và chế độ công chức, công vụ.

Ngày 1/4 vừa qua, đại diện Bộ Nội vụ cho biết theo dự thảo Nghị quyết mới nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính, số xã, phường trên cả nước giảm từ 10.035 xuống khoảng 5.000.

Việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp dựa trên các tiêu chí về diện tích tự nhiên và quy mô dân số, xem xét các yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; vị trí và điều kiện địa lý; quy mô và trình độ phát triển kinh tế xã hội; hạ tầng giao thông, công nghệ thông tin; cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và hội nhập quốc tế.

4 chính sách cho cán bộ, công chức bị ảnh hưởng

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà cho biết khi sắp xếp đơn vị hành chính, các chế độ chính sách đặc thù áp dụng cho người dân vẫn giữ nguyên. Đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động, Bộ Nội vụ đề xuất các chính sách như sau:

Thứ nhất, thực hiện chế độ công vụ, công chức thống nhất từ Trung ương đến cấp xã, không phân biệt cán bộ công chức Trung ương, cấp tỉnh và cán bộ công chức cấp xã như hiện nay.

Thứ hai, sàng lọc, giữ lại những người đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn năng lực, chuyên môn để tiếp tục công tác tại các cơ quan, tổ chức đơn vị.

Thứ ba, có các chính sách bảo lưu lương, phụ cấp đối với những người được sắp đặt vào vị trí, chức vụ thấp hơn, hoặc không giữ chức vụ trong một thời gian nhất định.

Thứ tư, đối với trường hợp có nguyện vọng nghỉ sớm hoặc không đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác thì có các chế độ, chính sách ưu đãi, áp dụng theo Nghị định 178 và Nghị định 67 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ công chức, người lao động, lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp bộ máy chính trị.

Nguyễn Quân