Giáo dục lấy HS làm chuột bạch, sai lại ‘rút kinh nghiệm’
- Kim Long
- •
ĐB bức xúc cho rằng Bộ GD&ĐT đưa ra các chương trình thực nghiệm tốn nhiều tỷ, lấy học sinh ra làm chuột bạch. Khi chương trình không thành công, thì Bộ chỉ nói một câu là “nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
Sáng nay (15/11), Quốc hội tổ chức phiên thảo luận về dự thảo Giáo dục (sửa đổi). Có 60 ĐB đăng ký phát biểu.
Ý kiến về dự thảo luật, ĐB Dương Minh Tuấn (Bà Rịa Vũng Tàu) đóng góp bằng một từ “thực nghiệm”.
ĐB này phân tích thực tế thời gian qua, việc thực nghiệm, thí nghiệm giáo dục không đạt yêu cầu và đã lấy học sinh ra làm chuột bạch.
Ông đơn cử chương trình VNEN mà Bộ GD&ĐT đưa ra thí điểm, tiêu tốn rất nhiều tỷ đồng, làm mở rộng nhưng cuối cùng không phù hơp. Nhưng Bộ kết luận chỉ đơn giản một câu là “Bộ đã nghiêm túc rút kinh nghiệm”.
“Sau thí điểm không thành công thì học sinh sẽ đi về đâu? – ông Tuấn đặt câu hỏi và cho hay “Bộ cần nói rõ là thí điểm tốn tiền tỷ như thế, học sinh làm chuột bạch như thế thì cũng phải nêu rõ để đại biểu, Quốc hội và cử tri biết”.
Ngoài ra, ĐB Tuấn cho rằng việc bất cập nằm ở chỗ thí điểm dự án không cần thông qua Quốc hội hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Tuấn nêu thực tế, cơ quan thẩm tra dự luật Giáo dục sửa đổi cũng nhận định cần có cơ quan kiểm chứng hoặc phê duyệt trước khi triển khai các chương trình thí điểm giáo dục.
Sau đó, cơ quan soạn thảo luật có nêu nội dung này trong tài liệu giải trình. Cụ thể:
“Chính phủ trình UB Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi áp dụng đại trà chính sách mới trong giáo dục khi thí điểm thành công”.
Ông Tuấn thẳng thắn “Viết luật như vậy đọc kỹ thì chỉ thấy sự lòng vòng” vì nếu như vậy thì khi thực hiện thí điểm vẫn không phải báo cáo, chỉ khi đưa kết quả thí điểm đó ra áp dụng đại trà mới báo cáo.
Kim Long
Xem thêm:
Từ khóa chương trình thực nghiệm Quốc hội Bộ GD&ĐT