Giao VKSND Tối cao tiến hành giám định tư pháp: Nên hay không?
- Vĩnh Long
- •
Thảo luận lần cuối tại nghị trường trước khi Quốc hội thông qua, các đại biểu vẫn chưa có thống nhất cuối cùng về việc bổ sung quy định về thẩm quyền giám định của VKSND Tối cao.
Chiều 21/5, Quốc hội thảo luận lần cuối tại nghị trường trước khi thông qua về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Nhiều ý kiến tranh luận tập trung vào quy định về việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho “Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSND Tối cao)”.
Cụ thể, dự thảo Luật bổ sung quy định “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao” là một trong các tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử (khoản 4, khoản 5 Điều 12).
Không để việc giám định cho Bộ Công an mà bổ sung thêm cho VKSND Tối cao
Đại biểu Trần Hồng Hà (Vĩnh Phúc) cho hay những bất cập hiện nay trong giám định tư pháp hiện nay là giám định tư pháp theo vụ việc trong các vụ án kinh tế, tham nhũng tập trung ở các lĩnh vực tiền tệ, tài chính, giao thông, xây dựng, đất đai, môi trường… Còn các lĩnh vực giám định tư pháp truyền thống như giám định pháp y, pháp y tâm thần thì các vướng mắc chủ yếu là do khâu tổ chức thực hiện; sự phối hợp chưa tốt giữa các cơ quan có liên quan.
Giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh mới có ở Bộ Công an. Còn phòng giám định tư pháp ở Bộ Quốc phòng mới chỉ giám định tài liệu, chữ ký, dấu vết, súng đạn. Thực tế hiện nay, toàn bộ phần giám định âm thanh, hình ảnh của cơ quan tố tụng chủ yếu tại Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an).
Song yêu cầu giám định tư pháp về âm thanh, hình ảnh ngày càng tăng, đặc biệt là từ ngày 1/1/2020 phải thực hiện ghi âm, ghi hình khi tiến hành hỏi cung bị can thì yêu cầu tính chính xác của dữ liệu ghi âm, ghi hình. Nếu có kiện tụng về kết quả giám định tư pháp bằng ghi âm, ghi hình thì các cơ quan tiến hành tố tụng không thể tiến hành giám định lại theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Vì vậy, cần tăng cường công tác giám định tư pháp về dữ liệu bằng âm thanh, hình ảnh.
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Bình Định) cho rằng hiện nay, yêu cầu giám định kỹ thuật hình sự ngày càng cao. Trong khi đó, Viện VKSND tối cao đang thực hiện điều tra 38 tội danh xâm hại hoạt động tư pháp. Vì vậy, nếu không có đơn vị giám định sẽ phát sinh những bất cập về thời hạn điều tra.
Phản đối việc thành lập phòng giám định kỹ thuật hình sự tư pháp ở VKSND Tối cao, đại biểu, Thiếu tướng Công an Nguyễn Thị Xuân (Đắc Lắk) cho hay VKSND tối cao nắm quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp, không thấy quy định chức năng, nhiệm vụ về giám định tư pháp.
“Nếu quy định chức năng, nhiệm vụ của phòng giám định tư pháp công lập thuộc VKSND tối cao thì có xung đột với Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân hay không? VKSND vừa thực hiện quyền công tố, kiểm soát hoạt động tư pháp lại vừa trực tiếp thực hiện giám định thì có đảm bảo sự khách quan, công minh trong vấn đề này hay không?”, vị này băn khoăn.
Đại biểu, Thiếu tướng Công an Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng nếu lấy lý do hiện chỉ có một số đơn vị giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Công an đảm nhiệm việc giám định tư pháp dẫn đến quá tải mà bổ sung vào luật quy định về Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao thì “không phù hợp.”
“Nếu vì lý do này mà bổ sung thì tại sao chúng ta không thành lập thêm các phòng chuyên môn trong lực lượng Công an,” đại biểu Hồng đặt vấn đề.
Đại biểu Hồng cũng tranh luận lại với ý kiến “trung bình thời gian mỗi vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử từ 2-3 tháng, có vụ 5 tháng mới có kết luận… nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết các vụ án.”, rằng lập luận như vậy là không thỏa đáng. Việc kéo dài thời gian điều tra có nhiều nguyên nhân, từ khởi tố vụ án, khởi tố bị can… chứ không chỉ phụ thuộc duy nhất vào kết quả giám định hình sự.
Ông Hồng cho rằng việc lập Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND tối cao không xung đột với hệ thống pháp luật hiện hành nhưng sẽ dẫn đến chồng chéo chức năng, nhiệm vụ.
VKS sẽ lạm quyền hay để tránh oan, sai?
Xin tranh luận với ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Xuân và ĐB Nguyễn Thanh Hồng, đại biểu, Thiếu tướng Quân đội Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho hay ở đây không phải là câu chuyện quá tải. Việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho cho VKSND Tối cao để đáp ứng yêu cầu tránh oan, sai ngày càng cao trong hoạt động điều tra, xét xử hiện nay.
“Trường hợp VKS tiến hành một số hoạt động điều tra và thấy kết quả giám định âm thanh, hình ảnh được cơ quan Công an thực hiện có vấn đề, nếu giao lại cho Công an giám định thì kết quả sẽ như thế nào?”, ông Bộ đặt câu hỏi, đồng thời dẫn ví dụ lịch sử tư pháp từng có vụ việc Tùng Dương ở Cầu Chương Dương (Hà Nội) đã bao lần giám định của công an không ra được đến khi giao giám định quân đội mới ra.
Phản bác lại ý kiến này, đại biểu, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An xin tranh luận, cho hay: “Quan điểm của ĐB Nguyễn Mai Bộ cho rằng muốn chống oan sai thì phải thành lập 1 phòng giám định của Viện KSND Tối cao, tôi thấy không phù hợp”.
Ông Cầu cho hay vì tránh oan sai như thế thì phải thành lập cơ quan giám định kỹ thuật hình sự thuộc TAND Tối cao, vì tòa mới là trung tâm của nền tư pháp và quyết định của tòa mới buộc được người đó có tội hay không.
Ông Cầu khẳng định không có việc VKSND Tối cao ra yêu cầu về giám định mà các cơ quan giám định không làm đúng, đồng thời cho rằng nhu cầu giám định không lớn, dẫn số liệu từ báo cáo của Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, trong 8 năm từ 2012 tới nay, chỉ có 60 vụ việc giám định âm thanh, tiếng nói, trung bình 1 năm chỉ có 8 vụ.
Đại diện VKS ủng hộ, đại diện Bộ Công an phản đốiTháng 3/2020, tại hội thảo Góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM chủ trì, việc bổ sung chức năng giám định tư pháp cho Phòng kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao cũng trở thành chủ đề thảo luận nhiều luồng ý kiến. Giám đốc Trung tâm Giám định pháp y TP.HCM – ông Phan Văn Hiếu cho rằng hiện các đơn vị có chức năng giám định tư pháp đều quá tải. Nhiều vụ việc để 3-4 tháng không giám định xong khiến thời gian vụ án kéo dài. Bộ Quốc phòng chủ yếu giám định cho quân đội, rất ít hỗ trợ dân sự. Do đó, việc có thêm cơ quan tham gia giám định pháp y sẽ khoa học hơn và giảm áp lực cho cơ quan điều tra, đẩy nhanh tiến trình vụ án. Đại diện Công an quận 9 – ông Quách Văn Thắng cho rằng bản chất vai trò của VKS là giám sát. Nếu VKS được giao thêm chức năng giám định tư pháp, đồng nghĩa với được tham gia vào hoạt động điều tra vụ án, là làm sai nguyên tắc. Trong khi đó, đại diện VKSND TP.HCM – ông Lê Minh Đức đặt trường hợp kết quả giám định do cơ quan cảnh sát điều tra thực hiện có những vấn đề cần giám định lại thì cơ quan nào sẽ thực hiện trách nhiệm này? Do đó, theo ông Đức, cần một cơ quan khác để xem xét tính chính xác của kết quả giám định và cơ quan này có thể đặt ở VKS. Đồng thời, về vai trò bản chất của VKS, ông Đức cho hay năm 2015, Quốc hội đã giao thêm cho VKS trách nhiệm thực hành quyền công tố cộng với kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Thực hành quyền công tố nghĩa là VKS được quyền thu thập chứng cứ, nếu thấy kết quả giám định của cơ quan điều tra chưa xác đáng thì phía VKS có thể yêu cầu cơ quan giám định của VKSND Tối cao thẩm định lại, để đảm bảo truy tố đúng người, đúng tội. |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộBáo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp vào chiều 21/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSNDTC” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự đã được Chính phủ cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng, nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp hiện nay. Chính phủ đã có báo cáo bổ sung trình Quốc hội khẳng định về sự cần thiết của vấn đề này. Đồng thời, theo báo cáo đánh giá tác động của cơ quan chủ trì soạn thảo, quy định trên không làm tăng biên chế chung của ngành kiểm sát nhân dân; yêu cầu về đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo không lớn; không có tác động tiêu cực đối với cá nhân, tổ chức trong xã hội; không gây tác động tiêu cực về giới; không làm phát sinh thủ tục hành chính và không xung đột với hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. |
Vĩnh Long
Từ khóa oan sai Bộ Công an VSKND tối cao thẩm quyền giám định