Giới chức Hội An: ‘Chỉ qua một mùa mưa gió thôi, chùa Cầu sẽ trở lại màu như cũ’
- Minh Long
- •
Hình ảnh Chùa Cầu sau gần 2 năm trùng tu với kinh phí 20 tỷ đồng vừa hoàn thành đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Giới chức thành phố Hội An đã lên tiếng về dự án này.
Ngày 28/7, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), cho biết sau hơn 400 năm tồn tại, di tích Chùa Cầu đã qua 7 lần trùng tu, lần gần nhất là vào năm 1986, nhưng lúc bấy giờ trong điều kiện ngân sách còn khó khăn nên việc trùng tu chưa đảm bảo yếu tố vững bền.
Tuy nhiên gần đây, di tích xuống cấp nghiêm trọng. Toàn bộ hệ thống cấu kiện, dầm, sàn bên dưới mục ruỗng, móng lún nứt, các cấu kiện giữa chùa với cầu không liên kết nhau dẫn đến nguy cơ cao sụp đổ di tích, ảnh hưởng an toàn khách tham quan.
Do đó, Bộ Văn hóa – Thể thao, tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An quyết định trùng tu di tích này.
Theo ông Sơn, việc chuẩn bị cũng mất mấy năm và trước khi tổ chức triển khai thì thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo quốc tế, trong nước để tham vấn các nhà chuyên môn. Trong quá trình lập hồ sơ, tham vấn đầy đủ các nhà nghiên cứu, đặc biệt các chuyên gia Nhật Bản.
Ông Sơn khẳng định quá trình trùng tu cũng tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc công khai minh bạch, du khách vẫn tham quan khi di tích đang trùng tu.
Theo ông Sơn, trong quá trình triển khai, việc tháo gỡ từng viên ngói, cấu kiện gỗ đều có đánh dấu, mời các chuyên gia thẩm định hiện trạng cấu kiện còn được bao nhiêu phần trăm, sử dụng được phần nào, phần nào bỏ đi đều có biên bản cụ thể. Cái nào hư hỏng mục ruỗng không đảm bảo cho an toàn công trình thì tháo bỏ, còn lại từng viên ngói, viên gạch, từng thanh gỗ có thể sử dụng được đều tuân thủ giữ lại các yếu tố gốc. Do đó, việc trùng tu đảm bảo nguyên các yếu tố gốc tối đa nhất.
“Vào công trình thấy có ngói cũ, ngói mới, có gỗ mới, gỗ cũ. Đó là theo nguyên tắc trùng tu và đều được các chuyên gia Nhật Bản đánh giá rất cao. Công trình đại trùng tu, trùng tu xong dứt khoát phải sơn lại để bảo quản công trình, vì nếu cứ để cũ thì mưa gió sẽ xuống cấp. Tất cả màu đó đều là những màu gốc đã được nghiên cứu. Dĩ nhiên khi mới sơn nó phải mới thôi, nhìn có lạ so với trước đây nhưng chỉ qua một mùa mưa gió thôi nó sẽ trở lại màu như cũ”, ông Sơn nói, theo báo Tiền Phong.
Lãnh đạo thành phố Hội An cũng cho hay các ý kiến của người dân, du khách về vấn đề màu sắc Chùa Cầu sau trùng tu thì thành phố cũng tiếp tục nghiên cứu trong thời gian từ nay đến ngày 3/8 (lễ khánh thành).
“Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu có thể pha lại màu sắc như thế nào cho ít thay đổi nhất. Đánh giá tổng quan thì công trình đã thực hiện đảm bảo đúng hồ sơ giấy phép, đảm bảo nguyên tắc trùng tu, phải nói lần đại trùng tu này đem đến sự vững bền cho di tích, mà rất lâu dài. Đó là điều quan trọng nhất, và giữ được các yếu tố gốc tối đa nhất”, ông Sơn khẳng định.
Trước đó, hình ảnh Chùa Cầu sau gần 2 năm trùng tu đã gây nhiều ý kiến trái chiều.
Dự án trùng tu di tích Chùa Cầu do UBND TP. Hội An làm chủ đầu tư, Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An quản lý thực hiện; tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng được bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh Quảng Nam (50%) và TP. Hội An (50%). Dự án có sự tài trợ về kinh phí để nghiên cứu từ Quỹ Sumitomo và hỗ trợ chuyên gia tư vấn từ tổ chức JICA Nhật Bản.
Công trình khởi công vào ngày 28/12/2022, dự kiến sẽ khánh thành vào tháng 12/2023. Trong thời gian trùng tu, Chùa Cầu vẫn mở cửa song các hạng mục chính bị quây giàn giáo, du khách không tham quan chi tiết được.
Đáng chú ý, quá trình tu bổ gặp một số trở ngại, có thời điểm phải gián đoạn để tham vấn ý kiến chuyên gia về việc mặt sàn “cong hay thẳng”. Vì vậy, dự án đến nay mới hoàn thiện.
Theo hồ sơ dự án, di tích Chùa Cầu được trùng tu các hạng mục như: gia cố hệ nền, móng, mố, trụ cầu; tu bổ hệ sàn, khung gỗ, mái; cải tạo hệ thống điện, chống mối công trình; số hóa di tích bằng công nghệ 3D phục vụ lưu trữ và việc tu bổ, tổ chức hội thảo, tọa đàm, lập hồ sơ khoa học; tôn tạo cảnh quan, hạ tầng kỹ thuật; mạng internet, hệ thống camera an ninh và nhà bao che phục vụ thi công tu bổ và bảo quản di tích…
Theo Trung tâm quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, Chùa Cầu tương truyền do thương nhân Nhật Bản ở Hội An xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVI – đầu thế kỷ XVII, nên còn có tên gọi là cầu Nhật Bản. Hiện Chùa Cầu trở thành biểu tượng của TP. Hội An.
Chùa Cầu dài 20,4m, rộng hơn 13m, cao 5,7m, bố cục mặt bằng kiểu chữ “丁” (đinh) gồm phía nam là cây cầu có mái che nối liền trục giao thông chủ đạo của khu phố cổ, liền kề phía bắc là ngôi miếu thờ Bắc Đế Trấn Vũ (Huyền Thiên Đại Đế) – vị thần có chức năng trị thủy.
Theo các tư liệu, Chùa Cầu đã trải qua ít nhất 7 lần tu bổ lớn vào các năm 1763, 1817, 1875, 1917, 1962, 1986, 1996.