Sau hơn 3 tháng, giới chức Hà Nội đã bỏ quy định hàng quán đóng cửa trước 21h để phòng COVID-19. Hiện các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường.

cua hang ha noi mo cua tro lai
Sau hơn 3 tháng, giới chức Hà Nội đã bỏ quy định đóng cửa trước 21h để phòng COVID-19. (Ảnh: vov.vn)

Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký ban hành văn bản số 735/UBND-KGVX về việc “triển khai thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và mở cửa trở lại các hoạt động du lịch trong tình hình mới”.

Theo văn bản, các hoạt động tập trung đông người như đám cưới, đám hỏi, đám tang… hạn chế số người tham gia cùng thời điểm.

Thực hiện thông điệp 5K theo thứ tự ưu tiên: Khẩu trang, khử khuẩn, khai báo y tế, khoảng cách, không tập trung đông người. Khuyến cáo khi có các biểu hiện nghi ngờ bệnh không tham gia các hoạt động tại các địa điểm trên.

Ông Anh cũng yêu cầu tiếp tục triển khai việc tiêm vắc-xin, rà soát nguyên nhân đạt tỷ lệ tiêm thấp, hoàn thành tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong tháng 3/2022.

Đáng chú ý, giới chức Hà Nội cho phép các các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, quán ăn, uống được phép hoạt động bình thường (không còn phải đóng cửa trước 21h hàng ngày).

Trước đó, ngày 1/11/2021, ông Chu Ngọc Anh ký ban hành kế hoạch quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” gửi các cơ quan liên quan.

Theo đó, Hà Nội vẫn cho phép nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (trừ quán rượu, bia, bia hơi) được bán hàng tại chỗ nhưng phải đóng cửa trước 21h hàng ngày để phòng dịch. Như vậy, sau hơn 3 tháng thực hiện, quy định đóng cửa trước 21h đã được bỏ.

Việc quy định đóng cửa trước 21h kéo dài tới tận thời điểm hiện tại khiến nhiều chủ cửa hàng ở Hà Nội khó hiểu.

Anh Khoa, quản lý một nhà hàng trên phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nói trên báo Lao Động, thời điểm dịch bệnh, phần lớn các hàng quán đều thực hiện tốt việc phòng dịch thì quy định cấm này trở thành vô lý. Điều đó gây ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của các quán ăn, nhà hàng bởi trước đó loại hình dịch vụ ăn uống đã bị ảnh hưởng rất nhiều sau thời gian dài gồng mình vì dịch bệnh. Khoảng thời gian 20h-21h, nhiều người khi đó mới đi ăn, việc cấm như vậy sẽ khiến khách hàng gặp nhiều trở ngại.

“Trước hay sau 21h thì nhà hàng cũng không đông khách do dịch bệnh, họ được sắp xếp ngồi những khu vực riêng, công tác phòng dịch vẫn giữ nguyên và tuân thủ quy định. Việc đóng cửa trước 21h cũng có thể khiến lượng khách sẽ tập trung ăn uống vào khung giờ cao điểm nhiều hơn, tăng khả năng lây nhiễm”, anh Sơn, quản lý một nhà hàng trên đường Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), nói.

PGS.TS Nguyễn Việt Hùng – Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội, cho rằng việc dịch lây nhiễm rộng hay không là phụ thuộc vào ý thức của mỗi cá nhân người dân chứ không phụ thuộc vào thời gian ban ngày hay ban đêm.

Theo ông Hùng, việc hạn chế thời gian, khống chế hàng quán chỉ được hoạt động trước 21h hàng ngày thì người dân sẽ tập trung ăn uống đông hơn vào trước khung giờ cấm. Điều đó có thể làm tăng khả năng tiếp xúc và tăng nguy cơ lây nhiễm. Mức độ tập trung sẽ giảm đi nếu bỏ quy định cấm sau 21h.

Sở Y tế Hà Nội tối 15/3 thông báo ghi nhận 26.708 ca COVID-19 mới, trong đó có 9.095 ca cộng đồng. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp số ca mắc mới trong ngày giảm. So với kỷ lục 32.650 ca thiết lập hôm 8/3, số ca nhiễm hôm nay giảm gần 6.000 ca.

Hoàng Minh